Canada đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động ngành đường sắt
Cho tới rạng sáng 22/8, theo giờ địa phương, người lao động và các công ty đường sắt vẫn không tìm ra tiếng nói chung trong thỏa thuận làm việc, buộc mạng lưới đường sắt vận tải hàng hóa nước này phải dừng hoạt động.
Thủ tướng Canada, Justin Trudeau ngày 21/8 kêu gọi Canadian National Railway (CNR) và Canadian Pacific Kansas City (CPKC) - hai công ty đường sắt lớn nhất nước này - cùng với Teamsters Canada Rail Conference (TCRC) - nghiệp đoàn đại diện cho người lao động tại cả hai công ty này - giải quyết bất đồng nhằm tránh nguy cơ tê liệt ngành vận tải đường sắt, có thể gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, cơ hội đạt được thỏa thuận vào phút chót dường như đã tan biến, khi CNR cho biết các cuộc đàm phán đã đổ vỡ và kêu gọi chính phủ can thiệp. Điểm bất đồng chính giữa hai bên liên quan đến những đề xuất về thay đổi lịch trình làm việc của đội lái tàu. Nghiệp đoàn TCRC cho rằng những thay đổi này sẽ gây mất an toàn và cần xem xét lại biện pháp giảm bớt tình trạng mệt mỏi của người lao động, trong khi cả hai công ty đường sắt Canada khẳng định các lịch trình phù hợp với các quy định hiện hành của chính phủ về thời gian nghỉ ngơi.
Cả CNR và CPKC đều tuyên bố sẽ không cho phép người lao động vào làm việc từ sáng 22/8 (theo giờ địa phương) nếu không đạt được thỏa thuận. Trong khi đó, Công đoàn Teamsters cũng đã gửi thông báo tổ chức đình công vào cùng thời điểm nói trên.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hai công ty vận hành đường sắt chở hàng duy nhất ở Canada không đạt được thỏa thuận lao động với khoảng 10.000 công nhân.
Một nhóm hiệp hội doanh nghiệp đã gửi thư tới Thủ tướng Trudeau kêu gọi chính phủ liên bang hành động, trước khi ngành vận tải đường sắt nói riêng và nền kinh tế Canada nói chung bị đình trệ.
Canada, quốc gia lớn thứ hai thế giới về mặt lãnh thổ, phụ thuộc rất nhiều vào vận tải đường sắt để vận chuyển hàng hóa. Do đó, đình công sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng do không thể vận chuyển hàng hóa, trong khi các phương tiện vận tải khác, đặc biệt là đường bộ, lại không thể thay thế được.
Năm ngoái, đình công tại các cảng biển ở tỉnh British Columbia đã gây thiệt hại cho lĩnh vực vận tải hàng hóa của Canada. Đình công trong lĩnh vực đường sắt dự kiến sẽ gây thiệt hại hơn nhiều do phạm vi rộng lớn. Ước tính cứ mỗi ngày gián đoạn hoạt động đường sắt tại Canada sẽ phải mất ít nhất một tuần để khôi phục chuỗi cung ứng và giải quyết tình trạng tắc nghẽn.
Nếu đình công diễn ra khoảng 10 ngày, thì việc phục hồi chuỗi cung ứng sẽ phải kéo dài tới cuối năm 2024. Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's cho biết việc đóng cửa 75% vận tải đường sắt của Canada sẽ khiến nền kinh tế thiệt hại 341,5 triệu CAD (251 triệu USD) mỗi ngày, tương đương hơn 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.
Ngoài vận tải trong nước, đình công sẽ ảnh hưởng đến cả việc vận tải hàng hóa sang Mỹ, từ đó sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động vận tải hàng hóa khu vực Bắc Mỹ. Theo Giám đốc điều hành Jim Vena của công ty đường sắt U.S Union Pacific, đình công trong lĩnh vực đường sắt ở Canada sẽ tác động nghiêm trọng tới toàn bộ nền kinh tế Bắc Mỹ, với hơn 2.500 toa hàng hóa không thể di chuyển qua biên giới mỗi ngày.
Theo Hiệp hội Đường sắt Canada, khoảng 6.500 container hàng hóa xuất khẩu từ Canada sang Mỹ bằng đường sắt mỗi ngày, bao gồm cả hàng hóa từ châu Á và châu Âu nhập vào Mỹ thông qua các cảng biển của Canada.
Hiệp hội ước tính trên 50% lượng hàng hóa xuất khẩu của Canada được vận chuyển bằng đường sắt. Chỉ trong năm 2022, tổng giá trị hàng hóa vận tải bằng đường sắt ở Canada đạt 279 tỷ USD.
Mỗi ngày, hai công ty đường sắt chở hàng ở Canada xử lý khoảng 40.000 toa hàng hóa trong nội địa, trị giá khoảng 1 tỷ USD.
Nếu dừng hoạt động, các lô hàng ô tô và phụ tùng ô tô hoàn chỉnh, hóa chất, sản phẩm lâm nghiệp và mặt hàng nông sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là khi mùa thu hoạch đang đến gần ở Canada.