Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 26/01/2022 07:20 (GMT+7)

Cần đổi mới mô hình và triết lý đào tạo trường chuyên

Theo dõi GĐ&PL trên

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển hệ thống trường Trung học Phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”, đa số ý kiến từ các chuyên gia, nhà trường đều khẳng định sự cần thiết của trường chuyên trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Không phải nơi đào tạo “gà nòi”

Sau 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển hệ thống trường Trung học Phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”, hệ thống trường chuyên đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng giáo dục và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

tm-img-alt

Hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển từ 68 trường chuyên năm 2010 tăng lên 77 trường năm 2020, đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một trường chuyên, có nơi có 2 trường chuyên phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của địa phương. Quy mô học sinh đã tăng, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh Trung học Phổ thông trên toàn quốc.

Các trường chuyên được đầu tư, nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia, đến năm 2020 là 60 trường (năm 2010 có 21 trường); 15 trường trọng điểm quốc gia phát triển, trở thành hình mẫu của các vùng.

Ông Phạm Duy Hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Sau 10 năm, Trường Trung học Phổ thông chuyên Bắc Kạn từ một trường quy mô nhỏ, đã thay đổi gần như toàn bộ với đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, phòng ngoại ngữ, phòng đa năng… Số lượng học sinh của trường so với năm 2010 đã tăng đến 50%. Chất lượng đào tạo chuyển biến tích cực, trong đó, học sinh giỏi quốc gia tăng dần qua các năm.

Cũng trong điều kiện còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: Trường chuyên của tỉnh mới được thành lập hơn 10 năm nên so với mặt bằng chung của cả nước, kết quả và quy mô còn khiêm tốn nhưng đây thực sự là hình mẫu của các trường trên toàn tỉnh. Trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Lai Châu đã được xây dựng, nâng cấp, củng cố; chất lượng giáo dục và bồi dưỡng học sinh có nhiều tiến bộ; chất lượng đội ngũ cũng được nâng lên…

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, trường chuyên cần khẳng định được vị trí, vai trò của mình, thực sự là môi trường đào tạo tinh hoa theo đúng nghĩa. Trường chuyên không phải nơi đào tạo “gà nòi” mà phải đào tạo nhân tài có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, có ước mơ, đam mê, hoài bão…

Khẳng định đề án phát triển trường chuyên là một chủ trương rất tốt, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Nhờ có Đề án phát triển trường chuyên, từ một lớp A0, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập được 3 trường chuyên.

Các trường chuyên trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Học sinh của Trường Trung học Phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên dẫn đầu cả nước về giải thưởng quốc tế. Cũng nhờ Đề án này, nhiều địa phương, kể cả địa phương khó khăn đã có giải thưởng quốc tế.

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, trường chuyên cần phải thể hiện rõ triết lý đặt ra. Đây không phải chỉ là nơi bồi dưỡng học sinh để có giải thưởng mà là nơi tạo nguồn cán bộ chủ chốt, nguồn nhân lực chất lượng cao. Học sinh tốt nghiệp từ trường chuyên có nhiều em điểm cao nhưng lại gặp các vấn đề như ngoại ngữ không tốt, thiếu các kỹ năng, khó hòa nhập.

Muốn đào tạo nhân tài, không phải tập trung "luyện" cho học sinh giỏi một môn để đi thi thố mà trước hết, phải đào tạo toàn diện, trong đó, chú trọng kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học. Tiếp đến phải có môi trường để khơi dậy, nuôi dưỡng đam mê, khát vọng. Đây là điểm cốt yếu trong việc đào tạo, bồi dưỡng người tài.

Tăng cường giáo dục toàn diện

Là người gắn bó với việc triển khai đề án phát triển trường chuyên từ những ngày đầu tiên, ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Mục tiêu của trường chuyên là thống nhất với cả hệ thống nhưng trường chuyên có vai trò dẫn dắt đi đầu, là nơi sáng tạo dành cho những người sáng tạo nhất. Nhờ có hệ thống trường chuyên, các tỉnh miền núi khó khăn mới phát hiện, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục.

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, thời gian qua, hệ thống trường chuyên đã có nền tảng đào tạo tốt, nhưng chưa có tiếng nói đầy đủ. Hệ thống trường chuyên cần phải có thống kê để biết học sinh chuyên thành người như thế nào, ra đời phục vụ đất nước ra sao. Từ đó, định hướng phát triển chương trình giáo dục riêng.

Trường chuyên phải làm những việc mà trường khác không làm được. Muốn làm được như vậy, không nên áp dụng một chương trình cứng với trường chuyên, bởi nếu để chương trình cứng sẽ dễ ổn định, trường chuyên không phải để ổn định mà để phát triển.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Cần tiếp tục nhìn nhận sự phát triển của trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, là khâu quan trọng trong phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật cần triển khai đầu tiên phải là ở các trường Trung học Phổ thông chuyên.

Bộ trưởng cũng đề cập tới áp lực tuyển sinh trường chuyên mà ở đó, không ít phụ huynh còn chưa suy nghĩ thấu đáo, còn chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp. Nếu vào học không phù hợp sẽ là nỗi khổ của học sinh, nỗi vất vả của thầy cô và nỗi lo của xã hội. Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh "ngồi nhầm trường". Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp.

Một trong những phương hướng phát triển hệ thống trường Trung học Phổ thông chuyên giai đoạn tiếp theo được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của trường chuyên phù hợp với xu thế thời đại mới.

Cụ thể, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo ngoài việc phát triển giáo dục mũi nhọn cần tăng cường giáo dục toàn diện cho học sinh, đổi mới quản lý tổ chức hoạt động của nhà trường để các trường chuyên trở thành hình mẫu về phát huy quyền, trách nhiệm tự chủ chuyên môn của nhà trường và giáo viên; vai trò tự chủ của học sinh/tập thể học sinh gắn với các câu lạc bộ khoa học của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng Khung chương trình nâng cao cho các trường chuyên trên cơ sở phát triển Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với điều kiện và mục tiêu của từng trường chuyên nhằm thực hiện giáo dục toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của từng học sinh.

Cùng chuyên mục

Yên Bái: Tạm đình chỉ công tác giáo viên đánh học sinh lớp 1
Chiều 21/4, ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thông tin: Sau khi nhận được thông tin phản ánh vụ việc cô giáo đánh học sinh lớp 1 tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học La Pán Tẩn, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã khẩn trương chỉ đạo làm rõ.
Đề xuất quy định mới về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT.
Vinschool tuyển sinh khóa đầu tiên tại Phú Quốc
Vinschool - Hệ thống giáo dục thuộc Tập đoàn Vingroup - bắt đầu tuyển sinh tại đảo ngọc Phú Quốc và dự kiến khai giảng khóa đầu tiên tại Phú Quốc vào tháng 8/2024. Nằm trong khuôn viên siêu quần thể Phú Quốc United Center, Vinschool Grand World Phú Quốc với đầy đủ các cấp học sẽ là “làn gió mới” đem chương trình giáo dục toàn diện tới Thành phố đảo Ngọc.
Không khoán, áp chỉ tiêu "Kế hoạch nhỏ" tại các trường Hà Nội
Gần đây, dư luận xôn xao trước sự việc xảy ra tại một lớp 7 thuộc Trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) khi triển khai chương trình "Kế hoạch nhỏ", giáo viên chủ nhiệm đã yêu cầu chỉ thu giấy vụn trong một ngày duy nhất, nếu học sinh nào quên, giáo viên yêu cầu phụ huynh mang tới nộp, nếu không sẽ phải nộp phạt 50 nghìn/kg giấy.
Nữ học sinh lớn 8 đánh bạn trong nhà vệ sinh
Mạng xã hội đang xôn xao clip một nữ sinh Trường THCS &THPT Võ Văn Kiệt (TP Rạch Giá, Kiên Giang) bị một nữ sinh cùng khối đánh trong nhà vệ sinh của trường. Sự việc khiến 3 học sinh bị đình chỉ học tập.

Tin mới