Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 19/02/2024 13:01 (GMT+7)

Cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo qua hình thức 'hợp đồng hợp tác đầu tư'

Theo dõi GĐ&PL trên

Theo Luật sư, thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là lập các công ty cổ phần với chiêu trò bán cổ phần. Tuy nhiên, những nạn nhân mua loại cổ phần này thì không hề có tư cách cổ đông, mà chỉ nhận về “giấy chứng nhận vốn góp”. Việc chuyển nhượng cổ phần cũng không đúng quy định pháp luật, do không phải cổ phần ưu đãi cổ tức, cũng không phải cổ phần ưu đãi hoàn lại nhưng lại cam kết trả cả gốc và lãi khi đến hạn.

Cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo qua hình thức 'hợp đồng hợp tác đầu tư'
Ảnh minh họa.

Thời gian qua, tình trạng lừa đảo qua các hợp đồng góp vốn, đầu tư trở nên phổ biến, đây là hình thức lừa đảo rất tinh vi khiến nhiều người bị hại và không thể lấy lại tiền, dẫn đến kiện cáo kéo dài. Được biết, các đối tượng lừa đảo có nhiều thủ đoạn khi tiếp cận với từng nhóm khách hàng khác nhau và từ đó sẽ có nhiều kịch bản khác nhau. Vì vậy, nạn nhân bị "sập bẫy" thuộc đủ tầng lớp và trên nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là lập các công ty cổ phần với chiêu trò bán cổ phần. Tuy nhiên, những nạn nhân mua loại cổ phần này thì không hề có tư cách cổ đông, mà chỉ nhận về “giấy chứng nhận vốn góp”. Việc chuyển nhượng cổ phần cũng không đúng quy định pháp luật, do không phải cổ phần ưu đãi cổ tức, cũng không phải cổ phần ưu đãi hoàn lại nhưng lại cam kết trả cả gốc và lãi khi đến hạn.

Trên thực tế, thủ đoạn của các đối tượng này chỉ là lấy tiền của người sau trả cho người trước, các doanh nghiệp này có đặc điểm chung là không hề phát hành trái phiếu do không có đủ điều kiện theo quy định của Luật Chứng khoán. Do đó, thủ đoạn chuyển nhượng cổ phần để hợp thức hóa việc nhận vốn góp, vốn đầu tư, dễ dàng qua mặt những người thiếu hiểu biết pháp luật.

Ngoài ra, khi xây dựng các hợp đồng thì các đối tượng lừa đảo cũng đã tìm cách "né" trách nhiệm hình sự để đưa về các giao dịch dân sự bằng cách dựa vào lý do các bên tự nguyện thỏa thuận để cùng làm ăn, đầu tư chung trên nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu, không thể quy trách nhiệm cho phía công ty. Từ đó, khi lập ra các hợp đồng, các đối tượng này đã tính toán yếu tố rủi ro pháp lý nên đã thiết lập hợp đồng với những điều khoản khá chặt chẽ nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Theo đó, các đối tượng cho rằng đây là “giao dịch dân sự hợp pháp”, hợp đồng cũng có điều khoản ủy quyền cho bên nhận vốn góp sử dụng và định đoạt vốn góp, trực tiếp thực hiện các hoạt động kinh doanh, đầu tư mà bên góp vốn không tham gia bất kỳ hoạt động nào, chỉ nhận lại gốc và lãi suất.

Những thông tin về dự án các đối tượng đưa ra như: Vị trí, tổng mức đầu tư, chi phí đầu tư, thời hạn triển khai đều không có các giấy tờ pháp lý liên quan hoặc không rõ ràng. Các đối tượng cố tình lập lờ, ko rõ ràng về thông tin dự án, hợp tác đầu tư, chính vì thế, các đối tượng sẽ không có việc ghi chép, báo cáo thuế về hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, một điểm nhận diện phổ biến là cam kết lợi nhuận cao. Về nguyên tắc, lợi nhuận chỉ được tính khi lấy tổng doanh thu trừ đi các chi phí giá vốn, lãi ngân hàng, chi phí vận hành,… Như vậy, lợi nhuận chỉ biết được sau một chu kỳ kinh doanh (có thể tính theo năm tài chính hoặc một chu kì vận hành của dự án). Tuy nhiên, các đối tượng sẽ đưa ra mức lợi nhuận rất cao để lôi kéo khách hàng, thậm chí nhiều đối tượng cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30% hoặc có những trường hợp lên đến 50 -70% năm.

Thế nhưng, có thể khẳng định các bên cam kết về lợi nhuận tối thiểu, cam kết về lãi suất đều không có căn cứ và không có cơ sở thực hiện. Đây là những chiêu trò phổ biến để các đối tượng đánh vào lòng tham, khiến người dân ký kết hợp đồng. Những cam kết này chỉ là "hứa hẹn" chứ không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản hay bảo lãnh ngân hàng.

Mặt khác, khi “cá” đã cắn câu thì tiền sẽ được hướng dẫn để chuyển vào tài khoản cá nhân của các cổ đông/người đại diện của công ty hoặc nộp bằng tiền mặt (ghi nhận bằng phiếu thu tiền). Với hình thức này, thực tế tiền không được đưa vào các tài khoản ngân hàng công ty. Các đối tượng dễ dàng sử dụng, chuyển tiền và sử dụng trái mục đích. Các công ty thường mập mờ về thu nộp tiền là cách để lách, trốn trách nhiệm, nhất là việc trốn tránh việc quản lý, theo dõi của các cơ quan thuế, các cơ quan nhà nước. Vì vậy, nhiều vụ vỡ lở mới phát hiện số tiền thiệt hại lên đến cả trăm, nghìn tỉ.

Bên cạnh đó, các công ty không có bộ máy kiểm soát, vận hành liên quan dự án. Vì thế không có bất cứ thông tin gì về việc triển khai hoạt động kinh doanh của công ty. Những người góp vốn đều mù tịt thông tin, thậm chí không biết gì về hoạt động kinh doanh thực tế.

Ngoài ra, các công ty thường không có sổ sách, kế toán, ghi chép gì về việc kinh doanh, đầu tư, nguồn tiền, chi phí... Hoặc ghi chép không rõ ràng, không theo luật kế toán. Vì thế, các nạn nhân không thể biết nguồn tiền thu được chi phí cho mục đích gì.

Về tình trạng sử dụng sai mục đích dòng tiền thu được, chủ yếu dùng trả nợ, trả lãi cho người trước, sử dụng vào tiêu dùng cá nhân dẫn đến thất thoát, mất khả năng thanh khoản, không còn khả năng trả nợ. Từ đó, dẫn đến việc xử lý các vụ án liên quan đến lừa đảo qua hình thức trên thường rất khó khăn phức tạp, do đó mỗi người cần nâng cao cảnh giác trước hình thức lừa đảo này.

Cùng chuyên mục

Cảnh báo thủ đoạn tội phạm mới nhắm đến học sinh
Theo Công an tỉnh Lai Châu, đây là thủ đoạn phạm tội mới, các đối tượng lừa đảo nhắm tới các học sinh ở độ tuổi chưa có nhận thức đầy đủ về pháp luật, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo. Nếu không có biện pháp phòng ngừa từ sớm sẽ rất dễ trở thành mối nguy hại lớn cho xã hội, tạo điều kiện cho hoạt động phạm tội lừa đảo, rửa tiền.
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cảnh báo các cuộc gọi lừa đảo
Trong thời gian gần đây, Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC) đã nhận được nhiều phản ánh về việc khách hàng nhận được cuộc gọi mạo danh là nhân viên điện lực cung cấp thông tin do điện lực tính sai hóa đơn tiền điện trong kỳ thay đổi Lịch ghi chỉ số về những ngày cuối tháng nên liên hệ để hoàn tiền % theo hóa đơn, hoặc trả tiền điện thừa cho khách hàng.

Tin mới

Lý do căn hộ The Origami có thể sinh lời ngay sau khi bàn giao
Nằm trong lòng đại đô thị đẳng cấp quốc tế Vinhomes Grand Park, The Origami không chỉ ghi điểm với khách hàng muốn tìm chốn an cư mà với giới đầu tư kinh doanh, đây còn được ví như “mỏ vàng” hiếm có khó tìm vì khả năng sinh lời dồi dào.