Các trường học ở Cần Thơ tiếp tục chủ động ứng phó với triều cường
Sở GD-ÐT TP Cần Thơ vừa có công văn về việc tiếp tục chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hạt do ảnh hưởng của các đợt triều cường trong tháng 10 âm lịch.
Năm học 2022-2023, thành phố Cần Thơ có hơn 250.000 học sinh các cấp.
Theo công văn của Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ, do tình bình triều cường cao hơn mức báo động III, dự báo thời tiết xấu và mưa nhiều, Sở GD-ÐT đề nghị các cơ sở giáo dục trực thuộc, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; Phòng GD-ÐT quận, huyện thực hiện: Từ ngày 26/10 đến hết ngày 28/10, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và nhu cầu của phụ huynh học sinh, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp (dạy học trực tuyến hoặc hướng dẫn học tập tại nhà; hoặc dạy học trực tiếp hoặc điều chỉnh thời gian đến trường và tan học), đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ mầm non, học sinh, học viên và giáo viên. Tiếp tục thực hiện các nội dung chỉ đạo của Sở GD&ÐT tại Công văn số 2943/SGDÐT-CTTT và Công văn số 3000/SGDÐT-CTTT.
Những ngày trong tháng 10 dương lịch, nước triều bắt đầu dâng qua cửa cống tràn lên nhiều tuyến đường ở Cần Thơ ngập sâu trong nước. Một số điểm trường cũng bị nước dâng vào sân, phòng lớp học. Theo Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết: Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng lũ đầu nguồn sông Cửu Long đổ về kết hợp với các đợt triều cường, Sở đã có văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT quận/huyện, các cơ sở giáo dục trực thuộc, Trung tâm GDNN-GDTX quận, huyện khẩn trương thực hiện các triển khai các giải pháp chủ động ứng phó với triều cường năm 2022
Sở chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa, lũ, triều cường, nhất là các quận/huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Cờ Đỏ... và các địa bàn từng xảy ra ngập sâu ở các năm trước. Các đơn vị hướng dẫn, nhắc nhở, khuyến cáo cha mẹ học sinh chủ động đưa đón trẻ trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà; chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học của đơn vị (điều chỉnh giờ đến trường, giờ ra về; các hoạt động giáo dục...) phù hợp với điều kiện mưa, lũ trên địa bàn
Các trường thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” gồm Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; tăng cường kiểm tra, rà soát điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, kịp thời phát hiện và có biện pháp gia cố, sửa chữa, di dời trang thiết bị, dụng cụ giảng dạy đến nơi an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa, lũ, triều cường gây ra.