Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 11/08/2022 11:00 (GMT+7)

Cả nước có trên 939.500 thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022

Theo dõi GĐ&PL trên

Tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng là gần 477.000. Tổng số lượng nguyện vọng là trên 2 triệu. Trung bình mỗi thí sinh có 4,24 nguyện vọng.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Thời gian để thí sinh đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống bắt đầu từ ngày 22/07 đến 17 giờ ngày 20/08. Từ ngày 1/9 đến hết ngày 15/09, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức xét tuyển, xử lý nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống.

Năm nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh (theo các cơ sở đào tạo, các ngành, các phương thức xét tuyển) của đợt xét tuyển đợt 1 sẽ được đăng ký và ghi nhận vào Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Việc đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh được thực hiện trong một đợt thay vì hai đợt như trước đây, theo quan điểm của Bộ là "để vừa thuận lợi cho thí sinh, vừa tiện cho các trường".

Thực tế số liệu thống kê trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, việc kéo dài thời gian đăng ký nguyện vọng cũng khiến thí sinh dao động, đắn đo nhiều hơn. Đến 12 giờ ngày 9/8, dù gần hết 2/3 thời gian đăng ký nguyện vọng, nhưng mới chỉ có hơn 451.000 thí sinh nhập nguyện vọng lên hệ thống, trong khi số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là hơn 939.000 em.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), thí sinh đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT và nhiều em cũng biết mình trúng tuyển có điều kiện. Tuy nhiên, nếu các em yêu thích một ngành khác của một trường khác và mong muốn xét tuyển bằng phương thức dựa trên điểm tốt nghiệp THPT, thì có thể đưa phương thức xét tuyển này lên nguyện vọng số 1 để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học mà yêu thích.

Các nguyện vọng của thí sinh được xếp thứ tự từ 1 đến hết. Khi thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn thì những nguyện vọng khác không còn giá trị nữa. Như vậy, sẽ có duy nhất một nguyện vọng trúng tuyển được công bố trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, tuy các phương thức xét tuyển đa dạng nhưng nếu thí sinh theo đúng logic thì sẽ đơn giản. Chẳng hạn, với một ngành, một trường thí sinh yêu thích sẽ có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Nếu như các em thấy phương thức A chưa có nhiều cơ hội trúng tuyển thì có thể chọn sang phương thức khác để vẫn xét tuyển vào ngành đó.

Khi hết thời gian đăng ký, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang các quy trình tiếp theo và khi đó thí sinh sẽ không còn quyền đăng ký xét tuyển. Sở GD-ĐT khuyến cáo thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển trước hạn cuối (trước 17 giờ ngày 20/8) để tránh các rủi ro về kỹ thuật (nếu có). Để có đủ thông tin xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH để đảm bảo không bị nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng, chọn ngành, tránh sai sót và ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển sau này.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bộ Y tế thông tin về nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc triển khai thi hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ để hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan xác định đối tượng, tổ chức thực hiện để bảo đảm quyền lợi cho người dân được hưởng chính sách bảo hiểm y tế (BHYT).