Bộ trưởng GDĐT: Ba chữ 'yên' làm thước đo cho bậc học mầm non
Trẻ đến lớp được yên vui, thầy cô công tác được yên tâm, cha mẹ gửi con được yên lòng. Ba chữ 'yên' đó là thước đo sự thành công của bậc học mầm non. Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đặt ra.
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non (GDMN) do Bộ GDĐT tổ chức ngày 18/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá, năm học 2020-2021, GDMN chịu nhiều ảnh hưởng, nhiều khó khăn, thách thức trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các địa phương, các cơ sở GDMN đã hết sức cố gắng, vượt khó, thể hiện trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hoàn thành mục tiêu cơ bản của năm học, tỷ lệ huy động trẻ đến trường cao, đặc biệt là với mẫu giáo 5 tuổi.
Nhận định về năm học mới 2021-2022, Bộ trưởng cho rằng, đây là năm toàn ngành tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển và đổi mới; đồng thời cũng là năm triển khai các hoạt động giáo dục an toàn, đảm bảo mục tiêu chất lượng trong điều kiện dịch bệnh còn tiếp tục ảnh hưởng lâu dài.
Với bậc học mầm non, theo Bộ trưởng có 4 quan điểm cần thống nhất. Trước hết, toàn xã hội, toàn ngành cần quan tâm hơn nữa, quan tâm một cách chính đáng, hiệu quả, thiết thực tới bậc học này. Bộ trưởng nhấn mạnh, những gì tốt đẹp nhất phải dành cho trẻ em, sự đổi mới của giáo dục cần phải từ bậc học nền tảng, bậc mầm non.
Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta đang nhấn mạnh, đề cao phương diện giáo dục con người, nhân cách, đạo đức, phẩm chất; mà nhân cách, đạo đức, tình cảm của con người được hình thành quan trọng ở cấp mầm non và những năm đầu tiểu học. Chính vì vậy, chăm lo tới giáo dục mầm non chính là quan tâm phát triển toàn diện trẻ em, coi trọng yếu tố nhân cách và con người.
Là bậc học có nhiều đặc điểm riêng về chăm sóc và nuôi dạy, theo đó, Bộ trưởng cho rằng, cần tăng cường thêm các biện pháp, chính sách sao cho phù hợp. Trong điều kiện thực tế của năm học chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, cần xem xét việc dạy học ở bậc mầm non sao cho linh hoạt, phù hợp. Với những nơi trẻ em không thể đến lớp, cần phối hợp với gia đình để có biện pháp hỗ trợ.
Về việc này, Bộ trưởng giao Vụ Giáo dục Mầm non tập hợp các video bài giảng, kho học liệu mở trong nước và thế giới; xây dựng, biên soạn nguồn học liệu mới. "Đây là việc cấp bách, bình thường đã cần nhưng trong năm học mới càng cần hơn, để trong trường hợp các cháu không đến trường, phụ huynh vẫn có nguồn học liệu để hỗ trợ các cháu tại nhà", Bộ trưởng chỉ đạo.
Trước một năm học khó khăn, Bộ trưởng lưu ý, cần nhận thức đầy đủ thách thức đặt ra, từ đó linh hoạt đề ra giải pháp, trong đó vai trò chủ động của địa phương là rất quan trọng. Cụ thể, các địa phương cần ưu tiên ngân sách cho kiên cố hóa trường học, chủ động có giải pháp khắc phục về thiếu hụt giáo viên, tập trung nguồn lực triển khai chương trình giáo dục mầm non mới và một số chính sách khác đối với bậc học mầm non.
Bộ trưởng bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông với đội ngũ giáo viên mầm non, bởi đặc thù công việc nặng nhọc, thời gian làm việc dài, áp lực lớn, yêu cầu cao, trong khi thu nhập lại thấp. Theo Bộ trưởng, phải bằng nhiều cách thức để tháo gỡ việc này, làm sao tăng thu nhập thực tế để giáo viên gắn bó, yên tâm với công việc. Ngoài ra, cần tăng hệ thống các trường tư thục, với yêu cầu giáo viên hệ thống trường tư cũng phải có quyền lợi để đảm bảo tốt công việc.
Một nội dung cũng được Bộ trưởng nhấn mạnh là phải quan tâm đến các nhóm trẻ, vì đây là nơi giải quyết được nhu cầu lớn về giữ trẻ song lại tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn. Cần tiếp tục ban hành chính sách, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên về cấp phép hoạt động với các cơ sở này. Bạo hành trẻ, theo Bộ trưởng đã có bước cải thiện nhưng trong năm vẫn xảy ra ở một số nơi, do đó vấn đề này rất cần được quan tâm trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh, "Phấn đấu làm sao để trẻ em đến lớp được yên vui, thầy cô công tác được yên tâm, cha mẹ gửi con được yên lòng. Ba chữ "yên" đó là thước đo sự thành công của chúng ta cho triển khai ở bậc học này. Tinh thần là dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em".
Cũng tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết, năm học 2021-2022, GDMN tập trung đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ em, tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình GDMN trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Vụ trưởng lưu ý, cơ sở GDMN không tổ chức dạy học trực tuyến cho trẻ mầm non, mà tập trung phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn trẻ tại nhà. Tranh thủ thời gian vàng trẻ đến trường để ưu tiên hướng dẫn kỹ năng, điều kiện cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1.
Các địa phương cũng khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại của các cơ sở GDMN trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tham mưu cho chính quyền các cấp có giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động của các cơ sở, hỗ trợ giáo viên bị ảnh hưởng, tránh tình trạng giáo viên nghỉ việc, cơ sở GDMN giải thể, bởi đây là nguy cơ rất lớn đối với GDMN.