Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định về nguy cơ Covid-19 lây nhiễm cộng đồng sau Tết Nguyên đán
Bộ Y tế nhận định dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát với số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca nhiễm sau dịp Tết Nguyên đán.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần (từ 29-1 đến 2-2), trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc Covid-19 và 100 ca tử vong. Con số này thấp hơn so với tuần trước đó với mỗi ngày ghi nhận khoảng 15.300 ca mắc và 140 ca tử vong.
So sánh với tuần trước, số ca tử vong trong tuần giảm 22%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 15,1% và số ca nặng, nguy kịch giảm 22,4%.
Bộ Y tế nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch từng bước đạt những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm.
Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến thể Omicron .
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cảnh báo nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cập nhật, tổ chức triển khai các hướng dẫn phòng, chống dịch, chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 của Bộ Y tế.
Ngoài ra, với các dịch bệnh khác hiện cũng đang được kiểm soát tốt, không ghi nhận các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh do liên cầu lợn; không ghi nhận các trường hợp mắc MERS-CoV, cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, cúm A/H5N6, bại liệt.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 29/1 đến 2/2) cả nước tiếp tục chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân đã tiêm chủng được hơn 782.000 liều tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 92.689 liều mũi 2; 339.512 liều bổ sung và 311.221 liều mũi 3 (liều nhắc lại).
Một số địa phương có số liều tiêm chủng cao trong dịp Tết gồm: Thái Bình (102.218 liều), Hưng Yên (78.688), Phú Yên (68.444), Hà Nội (55.306), Phú Thọ (51.578), Bình Thuận (41.235), Gia Lai (35.851), Quảng Nam (35.851), Lâm Đồng (24.765), Long An (22.169)...
Bộ Y tế cho biết tiếp tục tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm trên quy mô toàn quốc tại tất cả các xã, phường, thị trấn từ ngày 29/1 đến hết ngày 28/2. Rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc xin; bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Theo báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố và Y tế ngành trên toàn quốc cho thấy, ngày 3/2/2022 (tức ngày Mùng 3 Tết Nhâm Dần 2022), tổng số có 36.109 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 16.981 bệnh nhân, giảm 56,2% so với cùng ngày Tết Tân Sửu 2021; 9.040 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú (chiếm 50%), giảm 62%.
Các bác sĩ đã thực hiện 1.168 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 263 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân; đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 1.307 trẻ chào đời. 2.471 bệnh nhân điều trị khỏi, được xuất viện về nhà ăn Tết.