Bố mẹ bối rối khi con nổi loạn tuổi dậy thì, đây là 4 bí quyết để chuyện gì con cũng kể với mẹ
Dưới đây là 4 bí quyết nuôi dạy con tuổi dậy thì hiệu quả, được các chuyên gia khuyến khích.
Trẻ bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý sẽ có những sự thay đổi đáng kể. Ở giai đoạn tuổi này sẽ rất dễ có những suy nghĩ, hành vi nổi loạn nếu không có sự quan tâm, chăm sóc từ phía gia đình, thầy cô và xã hội.
Vì vậy, bố mẹ cần đặc biệt quan tâm đến con ở độ tuổi này, dưới đây là 4 bí quyết nuôi dạy con tuổi dậy thì hiệu quả, được các chuyên gia khuyến khích.
Hãy để con tự lập
Tâm hồn trẻ ở tuổi này nhạy cảm hơn, tâm lý dễ tổn thương bởi những tác động nhỏ xung quanh. Một điều dễ nhận thấy là trẻ ở lứa tuổi này bắt đầu muốn tách khỏi bố mẹ, con có xu hướng thể hiện rõ cái tôi của bản thân hơn bằng những hành động tự quyết.
Vì thế, bố mẹ cần cân nhắc trước khi muốn lấy thông tin từ một trong số những bạn cùng trang lứa của trẻ. Trong thế giới riêng biệt của con, lúc này vai trò của bố mẹ đã dần mờ nhạt.
Đây là giai đoạn trẻ thực sự có những bí mật muốn giấu bố mẹ. Bố mẹ càng quan tâm, tò mò tìm hiểu con từ bè bạn bao nhiêu thì con lại càng tỏ ra xa lánh, thờ ơ với bố mẹ bấy nhiêu. Cảm thấy mình bị chối bỏ cũng là điều dễ hiểu và quan trọng là bố mẹ cần tỉnh táo để vượt qua.
Việc bố mẹ càng siết chặt quản lý sẽ làm cho con cảm giác tù túng, mất tự do. Tuy nhiên, nếu buông lỏng cho con thỏa sức tự do sẽ khiến trẻ dễ sa ngã vào các thói hư tật xấu.
Vì vậy, trước giai đoạn dậy thì, bố mẹ cần có phương pháp giáo dục phù hợp, dạy con tự lập đúng cách, hiểu được sự quan tâm, biết được sự hy sinh của bố mẹ. Khi đến giai đoạn này, trẻ sẽ có cái nhìn tích cực hơn.
Dành thời gian đặc biệt cho con
Công việc quá bận rộn hay sự khác biệt trong suy nghĩ giữa hai thế hệ là điều khiến con khó mở lòng và trò chuyện được với bố mẹ.
Lứa tuổi dậy thì là lứa tuổi vô cùng nhạy cảm, lúc này cái tôi của các em rất lớn nên bố mẹ cần quan tâm, hỏi han con mỗi ngày để con không cảm thấy bị lạc lõng, bỏ rơi.
Đặc biệt, bố mẹ nên khéo léo trong việc hỏi về các mối quan hệ bên ngoài của con để giúp con có thêm những quy tắc ứng xử, cũng như cách bảo vệ bản thân trước những cám dỗ. Hãy để cho con cảm nhận được tình yêu thương chân thành mà bố mẹ dành cho mình.
Mỗi tuần từ 1-2 lần, bố mẹ nên dành thời gian riêng để trò chuyện, chia sẻ với con. Bằng cách này, sẽ giúp củng cố mối quan hệ tình cảm với con, dạy trẻ những kỹ năng giao tiếp cá nhân, đây là điều rất cần đối sự phát triển nhân cách của con sau này.
Hạn chế phán xét
Trong độ tuổi dậy thì, các con đã bắt đầu có suy nghĩ riêng của mình và muốn được tự do nói ra quan điểm về cuộc sống. Bố mẹ hãy tôn trọng lắng nghe và đưa ra ý kiến, lời khuyên bổ ích để con hiểu được và làm theo.
Ở tuổi này, con sẽ biết quan sát mức độ phán xét của bố mẹ tới đâu rồi mới nhận định dựa trên những điều bố mẹ nói khi so sánh con với những đứa trẻ khác.
Trẻ sẽ nhận ra bố mẹ có hà khắc, chỉ trích hay phán xét không. Vậy nên các bậc phụ huynh không nên quá khó khăn và đề cao con nhà hàng xóm hơn con mình.
Hãy đồng hành, trò chuyện với con như một người bạn thực sự. Nếu những điều con muốn làm không gây ra ảnh hưởng xấu thì bố mẹ cũng đừng cấm đoán quá mức.
Và nếu trẻ có những sở thích, đam mê riêng của mình thì bố mẹ cũng đừng ngần ngại cho trẻ không gian, điều kiện tốt nhất để phát triển.
Việc hiểu rõ những thay đổi về tâm sinh lý diễn ra trong tuổi dậy thì của con là cần thiết với các bậc phụ huynh. Nhờ đó, bố mẹ sẽ có cách dạy con hiệu quả.
Dạy con hiểu về tình yêu
Trẻ đang lớn sẽ phát triển cả về thể xác lẫn tinh thần, không thể ngăn cản được những xúc cảm rất bình thường của con người khi chúng ta bắt đầu biết cảm mến một ai đó.
Hầu hết các bậc phụ huynh khi biết con cái của mình bắt đầu sau nắng một ai đó điều rất lo lắng các con sẽ vượt qua giới hạn và sao lãng việc học tập. Nhiều phụ huynh bắt đầu cấm cản, tìm cách quản giáo con cái chặt chẽ hơn, để ý từng hành động của trẻ, đi học đi chơi đều phải đưa đón tận cổng.
Thực tế, đây không phải là giải pháp tối ưu trong vấn đề yêu sớm của các con, bố mẹ đang vô tình dùng sai phương pháp khiến khoảng cách giữa con và bố mẹ dần xa hơn.
Để hạn chế những tình huống này, bố mẹ nên thay đổi cách suy nghĩ cũng như cách dạy dỗ con ngay từ những ngày đầu đời của con.
Hãy trở thành những người bạn thân sẵn sàng lắng nghe con than vãn mọi câu chuyện, trở thành thính giả trung thành để con bộc bạch tâm sự về chuyện tình cảm.