Bình Định: Có hay không 'phù phép' đất Lăng Hội Vạn thành nghĩa địa?
Lăng Hội Vạn Công Thạnh có diện tích 2.565m2, đã sử dụng ổn định hàng chục năm và được công nhận theo Bản đồ đăng ký thống kê tỉnh Bình Định phê duyệt năm 2008.
Tuy nhiên, UBND Thị xã Hoài Nhơn chỉ công nhận 760m2, diện tích còn lại được phân lô cấp cho nhiều cá nhân trên địa bàn.
“Phù phép” đất Lăng Hội Vạn thành nghĩa địa?
Ông Trương Nhân trình bày các văn bản pháp lý của Lăng Hội Vạn. |
Chúng tôi có mặt tại xóm 5, thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) để tìm hiểu theo phản ánh của một nhóm ngư dân địa phương. Đại diện cho họ là ông Trương Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tồn và phát triển di tích Hội Vạn Công Thạnh cho biết: Khoảng năm 1900- 1901, nhiều ngư dân thuộc thôn Công Thạnh đã góp tiền mua lại khu đất Đình Huân Công Vạn rộng khoảng 6.000m2 để xây dựng ngôi đình Lăng Hội Vạn. Trải qua hơn 01 thế kỷ, nơi đây diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian, nổi bật là lễ cầu ngư tín ngưỡng thờ Thần của ngư dân vùng biển. Đến nay, Lăng Hội Vạn còn lưu giữ đầy đủ giấy văn tự đoạn mãi có niên đại 1900-1901, giấy trích lục bản đồ do Đại Nam Trung kỳ Chính phủ cấp, biên lai thu thuế điền thổ của chế độ Việt Nam Cộng hòa, sơ đồ địa chính do Sở Địa chính tỉnh Bình Định cấp.
Trải qua hai cuộc chiến tranh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Lăng Hội Vạn bị tàn phá, diện tích bị biến động. Sau năm 1975, cộng đồng ngư dân chung tay khôi phục một phần Lăng với diện tích khoảng 2.565m2 làm nơi thờ cúng, tổ chức lễ hội. Đầu năm 2004, tập thể ngư dân đã có đơn đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đối với diện tích 2.565m2 trên nhưng chính quyền địa phương không giải quyết và cũng không đưa ra lý do xác đáng. Ngày 22/11/2004, UBND xã Tam Quan Bắc lập Tờ bản đồ số 12 xác định cả khu đất của Lăng Hội Vạn Công Thạnh là đất nghĩa địa bất chấp sự phản đối quyết liệt của tập thể ngư dân. Các ngư dân Hội Vạn đã khiếu nại đến UBND thị xã Hoài Nhơn. Ngày 27/01/2005, UBND thị xã có thông báo số 09/TB-UB trả lời chỉ công nhận 760m2 trong diện tích 2.565m2 thuộc đất của Hội Vạn Công Thạnh.
Ông Trương Nhân bên phần di tích đã trùng tu của đình Lăng Hội Vạn. |
Không chấp nhận việc đất Lăng Hội Vạn bị biến đổi thành đất nghĩa địa và bị “xà xẻo” tới hơn 2/3 diện tích, tập thể ngư dân Hội Vạn gửi đơn tới UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Định. Tuy nhiên, sự việc không được quan tâm, giải quyết. Đầu năm 2009, tập thể ngư dân Hội Vạn phát hiện khu đất của Lăng Hội đã được công nhận theo Bản đồ đăng ký thống kê của Sở TN&MT phê duyệt ngày 26/12/2008 (Bản đồ VN2000) tại địa chỉ thửa 11 tờ bản đồ số 16, diện tích 2.565m2. Trước bằng chứng xác thực trên, Hội Vạn tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT, Thanh tra Chính phủ.
Trong khi các cơ quan chức năng trung ương đang xem xét vụ việc thì ngày 22/11/2011, UBND thị xã Hoài Nhơn và chính quyền xã Tam Quan Bắc tiến hành cưỡng chế diện tích đất mà chọ cho rằng không thuộc sở hữu của Hội Vạn. Ông Trương Nhân bức xúc: “Việc tiến hành cưỡng chế trong khi không hề có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, quyết định cưỡng chế là sai luật. Ngay sau khi lấy đất của chúng tôi, chính quyền địa phương đã lập tức phân thành 16 lô và bán cho nhiều cá nhân”. Để chứng minh, ông Nhân đưa ra 01 giấy CNQSDĐ ký hiệu CH 01339 do cấp ngày 28/02/2012 cho thửa đất số 143, tờ bản đồ số 16 thuộc thôn Công Thạnh có diện tích 90m2 đứng tên ông Trần Văn Tuân. Đến ngày 18/09/2014, thửa đất trên được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Cảnh Thi và bà Phạm Thị Huyền với giá hơn 200 triệu đồng.
Ngày 20/11/2013, UBND tỉnh Bình Định có công văn số 4808 trả lời: Căn cứ Bản đồ năm 1985 (thực hiện theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ), thửa đất của đình Lăng Hội Vạn thôn Công Thạnh sử dụng có số hiệu 130, tờ bản đồ số 3, diện tích 760m2. Vì vậy, khiếu nại của người dân là không có cơ sở để xem xét, giải quyết.
Trước việc UBND tỉnh không ghi nhận Bản đồ đăng ký thống kê của Sở TN&MT phê duyệt ngày 26/12/2008 (đình Lăng thuộc thửa 11 tờ bản đồ số 16, diện tích 2.565m2), Hội Vạn đã làm thủ tục xin trích lục từ bản gốc lưu trữ của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) tỉnh Bình Định. Ngày 12/08/2014, cơ quan trên cấp trả bản trích lục (do Phó giám đốc Đặng Hữu Bình ký) công nhận diện tích 2.565m2 tại thửa 11, tờ bản đồ số 16 là đất tôn giáo (ký hiệu: TON) đã được cấp cho Lăng Hội Vạn.
Bản trích lục do Văn phòng Đăng ký QSDĐ tỉnh Bình Định cấp cho người dân ngày 12/08/2014. |
Giải đáp lập lờ, chứng lý thiếu thuyết phục?
Đến thời điểm này, sự việc trên vẫn đang ở thế “giằng co”. Tập thể ngư dân Hội Vạn kiên trì gửi đơn kêu cứu, đơn kiến nghị tới các cơ quan trung ương với mong muốn được đòi lại công bằng. Những cá nhân đang sở hữu 16 lô đất (thuộc một phần diện tích 2.565m2) lâm cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, đất đã có sổ nhưng không dám xây nhà, bán thì chẳng ai mua. Trong văn bản gần đây nhất, ngày 27/12/2019, UBND thị xã Hoài Nhơn có Công văn số 1660 trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Bảo tồn và phát triển di tích Hội Vạn Công Thạnh vẫn giữ nguyên theo nội dung Công văn số 4808 ngày 20/11/2013 của UBND tỉnh.
Khu vực bị chính quyền thu hồi, phân lô. |
Trả lời PV về sự việc trên, ông Trương Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc khẳng định: “Khu đất trên nguyên bản là đất nghĩa địa, thuộc sở hữu của xã chứ không phải là của Hội Vạn. Khi họ đề nghị trồng dừa, chúng tôi không đồng ý. Khi họ đóng cọc làm hàng rào thì đương nhiên phải phá dỡ, không cần quyết định cưỡng chế. Còn việc phân lô thì chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo thị xã”.
Ngay sau đó, ngày 16/06/2020, chúng tôi làm việc với ông Nguyễn Chí Công- Phó chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn và ông Hồ Hưởng- Trưởng phòng TN&MT thị xã. Tại đây, ông Hồ Hưởng cho biết: Việc chính quyền căn cứ vào Bản đồ 299 năm 1984 để kết luận đất Lăng Hội Vạn chỉ có 760m2 là chính xác. Việc Sở TN&MT tỉnh tiến hành đo đạc lại xác lập diện tích Lăng là 2.565m2 là không đúng, có thể do thiếu sót của đơn vị đo đạc. UBND thị xã đã đề nghị Sở TN&MT điều chỉnh lại.
Về việc phân lô trên diện tích đất cưỡng chế của Hội Vạn, ông Hồ Hưởng khẳng định: “Không hề có chuyện chúng tôi bán đấu giá mà chỉ cấp xét cho những hộ có đủ điều kiện”. Tuy nhiên, khi PV yêu cầu được xem danh sách cấp xét thì ông Hưởng không cung cấp được.
Nhằm rộng đường dư luận, PV tiếp tục liên hệ với Sở TN&MT Bình Định. Sau nhiều lần hẹn gặp, sáng ngày 08/07/2020, người được lãnh đạo Sở phân công làm việc với chúng tôi là ông Đào Văn Hòa- Chánh thanh tra Sở TN&MT Bình Định. Theo ông Hòa, việc giải quyết sự việc trên theo tinh thần Công văn số 4808 ngày 20/11/2013 của UBND tỉnh và các văn bản khác của thị xã Hoài Nhơn là đúng. Việc Sở TN&MT Bình Định phê duyệt Bản đồ đăng ký thống kê ngày 26/12/2008 (xác lập diện tích Lăng Hội Vạn là 2.565m2) chỉ là bản “thô”, ghi nhận hiện trạng chứ chưa xác thực và chưa chính thức. Ngay cả việc Văn phòng Đăng ký QSDĐ tỉnh cung cấp bản trích lục cho tập thể ngư dân Hội Vạn ngày 12/08/2014 cũng là cung cấp bản lưu “thô”.
Văn tự mua bán được Đại Nam Trung kỳ Chính phủ cấp. |
Còn bản chính thức, theo ông Hòa là Thông báo số 64 ngày 16/01/2018 của Văn phòng Đăng ký QSDĐ tỉnh Bình Định: “Ngày 19/6/2012, thửa đất số 11 tờ bản đồ số 16 đã biến động tách làm 02 thửa. Bao gồm thửa số 11 tờ bản đồ số 16 diện tích 573,5m2- loại đất chưa sử dụng (đất cát) do UBND xã Tam Quan Bắc quản lý; Thửa số 144, tờ bản đồ số 16 diện tích 760m2 loại đất tín ngưỡng do Hội Vạn Lăng Ông xóm 5 thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc sử dụng”.
Chúng tôi đặt câu hỏi: “Vậy diện tích còn lại là 1.231,5m2 (trong số 2.565m2) thuộc thửa nào và ai là người quản lý? Phải chăng đây là diện tích UBND thị xã Hoài Nhơn đã phân lô để bán hoặc cấp xét?”. Về vấn đề này, ông Hòa không trả lời được với lý do không nắm rõ và không đủ thẩm quyền phát ngôn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra, xác minh về vụ việc và phản ánh tới độc giả thời gian tới!
Nhóm PV