Bị gà mổ vào chân, trẻ 6 tuổi bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người
Một bệnh nhân 6 tuổi ở thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) vừa được các bác sĩ bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba - Đồng Hới chẩn đoán xác định và điều trị qua giai đoạn nguy hiểm do “vi khuẩn ăn thịt người“ gây nên.
Ngày 24/2, tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba – Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, bệnh nhân P. (SN 2015, trú Đồng Hới, Quảng Bình) nhập viện vào ngày 19/1 với những biểu hiện sốt cao, viêm tấy bàn chân và đùi trái và được các bác sỹ của bệnh viện phát hiện P. mắc vi khuẩn Burkholderia pseudomalei (hay còn gọi là khuẩn ăn thịt người) gây nên.
Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba – Đồng Hới cho hay, bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao, viêm tấy bàn chân và đùi trái. Sau 1 ngày nhập viện, tình trạng viêm tấy lan ra rất nhiều nơi trong cơ thể rồi sau đó tạo thành các ổ áp xe.
"Chúng tôi xác định đây là một ca bệnh nặng, phức tạp có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nên ngay từ đầu đã lựa chọn kháng sinh thích hợp, đồng thời tích cực làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân chính xác.
Sau nhiều lần nuôi cấy các dịch trong cơ thể (máu, dịch mủ từ các ổ áp xe) mới định danh được vi khuẩn gây bệnh chính là Burkholderia pseudomalei. Bệnh nhân đã tiếp tục được điều trị theo đúng phác đồ, qua hết giai đoạn tấn công của bệnh. Bệnh viện cũng đã hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Nhi Trung ương để khẳng định chẩn đoán, vấn đề điều trị tiếp theo nhằm tránh tái phát và các biến chứng cho bệnh nhân", BS Ngọc Hân cho biết.
Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Hân cho biết thêm, hiện bệnh nhân P. đang được điều trị ổn định, xong giai đoạn tấn công và đã được ra viện, tiếp tục điều trị ngoại trú liên tục trong 3 tháng và sẽ được khám định kì để đánh giá, phòng ngừa tái phát, biến chứng...
Theo gia đình bệnh nhân P. cho biết, cháu P. hay chơi với gà và bị gà mổ có vết thương ở ngón chân một thời gian trước khi khởi phát nên dấu hiệu áp xe ở đùi. Trước đó khoảng 1 tháng, gia đình đã đưa cháu vào Huế khám và thăm bệnh, các bác sỹ đã tiến hành điều trị khoảng 12 ngày và cho thuốc về. Tuy nhiên tình trạng bệnh của cháu không thuyên giảm nên được gia đình đưa vào bệnh viện.
Các bác sỹ bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định chính những vết mổ của gà vào cơ thể cháu P. đã vô tình giúp vi khuẩn Burkholderia pseudomalei xâm nhập. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh cho trẻ và bệnh đã diễn tiến liên tục từ khi có ổ áp xe đầu tiên ở đùi.
Đối với việc nhiễm loại vi khuẩn này việc phát hiện ban đầu rất khó khăn và đặc biệt khi người bệnh không vệ sinh sạch sẽ, coi thường những vết thương nhẹ ngoài da nhưng có dính đất cát, gia súc, gia cầm… sẽ trở thành môi trường phát triển lý tưởng của mầm bệnh.
Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra biến chứng khôn lường: nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương phổi, phải cắt bỏ tứ chi… thậm chí có thể dẫn đến tử vong.