Bắt tay hãng taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập chuỗi sửa xe, Tập đoàn Mai Linh đang kinh doanh ra sao?
Trước khi bắt tay hãng taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập chuỗi sửa xe quy mô lớn hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Mai Linh của đại gia Hồ Huy vẫn đang ghi nhận lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng.
Mới đây, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM chủ thương hiệu Xanh SM - hãng taxi điện của tỉ phú Phạm Nhật Vượng và CTCP Thương mại Mê Kông Xanh (công ty con thuộc hệ sinh thái Mai Linh Group) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc thành lập chuỗi xưởng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô quy mô lớn hàng đầu Việt Nam.
Hai bên hợp tác thành lập liên doanh mới với thương hiệu “MeKong Xanh SM” để xây dựng và vận hành chuỗi xưởng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô trên phạm vi toàn quốc. Theo kế hoạch, chuỗi xưởng này sẽ có 99 địa điểm vào cuối năm 2025, bắt đầu với việc chuyển đổi 39 xưởng sửa chữa hiện có của Mê Kông Xanh sang mô hình mới. Mạng lưới xưởng này sẽ hoạt động song song với 80 xưởng dịch vụ của VinFast, nhằm đảm bảo sự phục vụ nhanh chóng và hiệu quả cho khách hàng trên toàn quốc.
Theo tìm hiểu, CTCP Thương mại Mê Kông Xanh được thành lập tháng 7/2017 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh của đại gia Hồ Huy góp 55,1 tỷ đồng, tương đương 51% vốn góp. Ông Hồ Huy sinh năm 1955 giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.
Hồi tháng 11/2022 vừa qua, CTCP Thương mại Mê Kông Xanh tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng, cơ cấu góp vốn của các cổ đông không được tiết lộ.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Tập đoàn Mai Linh, trong năm vừa qua hãng Taxi của ông Hồ Huy ghi nhận doanh thu thuần 1.586 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2022. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức gần 401 tỷ đồng, giảm gần 4% so với năm trước.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đạt 54 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng 11,6% lên hơn 126 tỷ đồng, gần như toàn bộ là chi phí lãi vay.
Chi phí bán hàng giảm 2% còn hơn 69 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 11% về 300,3 tỷ đồng. Trừ các chi phí, Tập đoàn Mai Linh lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 41 tỷ đồng, trong khi năm 2022 cũng lỗ thuần gần 97 tỷ đồng.
Trong kỳ, khoản thu nhập khác của Mai Linh ghi nhận 74,7 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận khác cũng giảm từ 105 tỷ đồng xuống còn 55 tỷ đồng. Chi phí khác được điều tiết còn gần 20 tỷ đồng giúp hãng taxi của đại gia sinh năm 1955 ghi nhận lợi nhuận trước thuế 14,2 tỷ đồng, tăng so với 8,2 tỷ đồng năm 2022. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Mai Linh lãi gần 4 tỷ đồng, trước đó năm 2022 hãng taxi này lãi hơn 1,04 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Mai Linh đạt 4.271 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 1.942 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng gấp ba lần lên hơn 37 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả đạt 4.076 tỷ đồng, tăng khoảng 70 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn tăng thêm 50 tỷ đồng lên mức 997 tỷ đồng, nợ vay dài hạn tăng gần 45 tỷ đồng lên gần 404 tỷ đồng.
Tập đoàn Mai Linh ghi nhận khoản lỗ lũy kế 1.306 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023. Khoản lỗ lũy kế này đã lớn hơn vốn góp của chủ sở hữu (1.246,6 tỷ đồng).
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 hồi tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Mai Linh công bố kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 1.650 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2023 nhưng lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, lên đến 60 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên của Vingroup (VIC), GSM - hãng taxi riêng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã mang về 5.746 tỷ đồng doanh thu cho Vingroup, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối tháng 6/2024, GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có hơn 30.000 taxi điện, có mặt tại 45 tỉnh, thành phố, hợp tác với hơn 35 doanh nghiệp đối tác và thu hút hàng ngàn tài xế tham gia nền tảng Xanh SM Platform để cung cấp dịch vụ di chuyển xanh bằng xe điện tới hàng chục triệu khách hàng trên cả nước.