Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ ba, 18/04/2023 10:10 (GMT+7)

Bảo hiểm nhân thọ: Bộ Tài chính cấp một “giấy phép” cho ba sản phẩm?

Theo dõi GĐ&PL trên

Manulife khẳng định mẫu hợp đồng có tên thương mại “Manulife - Điểm tựa đầu tư” mà khách hàng đang giữ là do Bộ Tài chính cấp phép theo công văn 12200/BCT-QLBH ngày 13/9/2017. Tuy nhiên, công ty này hiện đang bán ra thị trường một sản phẩm “bảo hiểm liên kết đầu tư đơn vị” với 3 tên thương mại khác nhau, với cùng ghi chú được Bộ cấp phép trong một văn bản. Vậy đâu là mẫu thật?!

Mẫu hợp đồng nào được cấp phép?

Ngày 17/4. anh Đ. (nhân vật trong những bài viết trước) tiếp tục tới trụ sở Manulife (Q.7, TP.HCM) để làm rõ những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Tại buổi làm việc, anh Đ. đưa ra ba yêu cầu: Cung cấp bản hợp đồng, hồ sơ mẫu của sản phẩm “Điểm tựa đầu tư” và “Chắp cánh tương lai ưu việt” đã được Bộ Tài chính phê duyệt để đối chiếu; Vì sao mẫu trong hợp đồng của anh Đ. đang giữ lại khác với mẫu hợp đồng công bố trên chính website của Manulife; Thông tin chi tiết về quỹ đầu tư như trong hợp đồng có nêu.

Bảo hiểm nhân thọ: Bộ Tài chính cấp một “giấy phép” cho ba sản phẩm? ảnh 1
Công ty Manulife khẳng định, mẫu hợp đồng giao cho khách hàng là đúng như công văn 12200 của Bộ Tài chính. Nhưng mẫu này lại khác với mẫu trên website mà Manulife công bố.

Anh Đ. nói rằng, dù bà xã và con trai tham gia bảo hiểm từ năm 2020 nhưng tới thời điểm này, gia đình anh chưa nhận được bất cứ thông tin hay thông báo nào về việc số tiền tham gia bảo hiểm đã được đầu tư vào đâu, lợi nhuận, lời lãi thế nào, có kiểm toán hay hay chưa? Vì sao trên website Manulife chỉ có báo cáo thường niên của quỹ Cân bằng trong năm 2020 mà không thấy 2021, 2022, dù theo quy định của Bộ Tài chính là phải thông báo cho người mua bảo hiểm trong thời hạn tối đa 90 ngày sau khi kết thúc năm tài chính.

Tại buổi làm việc, Manulife không biết mẫu hợp đồng cho sản phẩm “Manulife – Điểm tựa đầu tư” nằm đâu trên website nên “xin” anh Đ. cho xem bảng thông tin để coi lại. Khi phát hiện ra hợp đồng giao cho khách và hợp đồng trên website khác nhau, phía Manulife cho rằng hợp đồng giao cho khách được thực hiện theo yêu cầu của khách hàng.

“Hợp đồng này do phía công ty soạn sẵn, gửi cho bên tôi ký. Gia đình tôi không yêu cầu soạn mẫu hợp đồng theo ý của mình. Trong hợp đồng cũng không có chỗ nào nói cho phép soạn hợp đồng theo ý khách hàng. Và rõ ràng, hợp đồng Điểm tựa đầu tư của vợ tôi, về mẫu, khác với mẫu trên website của Manulife, nhưng giống hồ sơ của các khách hàng khác cùng mua sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị. Có khác là thông tin cá nhân... Vậy rốt cuộc mẫu nào mới là mẫu do Bộ Tài chính cấp phép?”, anh Đ. hỏi lại.

Lúc này, phía Manulife tiếp tục khẳng định, trên hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị “Manulife – Điểm tự đầu tư” có chữ ký của tổng giám đốc, có con dấu của công ty là mẫu của Bộ Tài chính cấp phép theo công văn 12200/BCT-QLBH ngày 13/9/2017.

Một sản phẩm có ba tên thương mại?

Bảo hiểm là một mô hình tài chính hết sức phức tạp nên tất cả sản phẩm do các công ty bảo hiểm tung ra thị trường đều phải được sự cho phép của Bộ Tài chính. Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết về bảo hiểm nhân thọ thì rất nhiều khách hàng liên hệ cung cấp thêm hồ sơ, tư liệu liên quan đến bảo hiểm của Manulife. Tất cả đều rất bức xúc vì bị lừa gạt nhiều năm với số tiền rất lớn.

Bảo hiểm nhân thọ: Bộ Tài chính cấp một “giấy phép” cho ba sản phẩm? ảnh 2
Manulife ghi chú: Cả ba sản phẩm trong hình cùng do Bộ Tài chính cấp trong cùng một công văn 12200/BTC-QLBH.

Cô L. mang một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với tên thương mại “Manulife – Tâm an đầu tư” đến gặp phóng viên trình bày lại chi tiết câu chuyện bị lừa mua bảo hiểm Manulife khi đến gửi tiền tại ngân hàng SCB và những lần lên làm việc để đòi lại tiền khó khăn như thế nào nhưng chưa được.

Đáng nói, hợp đồng sản phẩm có tên thương mại “Manulife – Tâm an đầu tư” của cô L. hoàn toàn không có điều khoản, quy tắc mà chỉ có phần minh hoạ với ghi chú: “Sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê duyệt theo công văn 12200/BTC-QLBH ngày 13/9/2017 với tên gọi kỹ thuật Bảo hiểm liên kết đơn vị đóng phí định kỳ (phiên bản 2)”. Câu ghi chú này giống hệt ghi chú trong sản phẩm có tên thương mại “Manulife – Điểm tựa đầu tư” của gia đình anh Đ.

Trước thông tin này, chúng tôi vào website của Manulife để tìm hiểu thì phát hiện thêm một sản phẩm khác, tên thương mại là “Manulife - Đắc lộc tâm an” cũng có ghi chú tương tự: “Sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê duyệt theo công văn 12200/BTC-QLBH ngày 13/9/2017 với tên gọi kỹ thuật Bảo hiểm liên kết đơn vị đóng phí định kỳ (phiên bản 2)”.

Nhìn vào có thể thấy, ba sản phẩm có ba tên thương mại khác nhau, khác nhau cả về kết cấu nội dung bên trong lẫn số lượng trang trong hợp đồng nhưng tất cả đều được ghi chú là theo cùng một công văn của Bộ Tài chính. Trong khi đó, theo mẫu đơn xin phê chuẩn sản phẩm “bảo hiểm liên đến đơn vị” do Bộ Tài chính ban hành, thì mỗi sản phẩm bảo hiểm có một thương mại, và tên phải cụ thể, rõ ràng về mẫu, biểu phí…

Ở đây, sản phẩm “bảo hiểm liên kết đơn vị” của Manulife ít nhất ba cái tên thương mại khác nhau, mỗi tên lại đảm nhận một mục đích khác nhau. Vậy đâu là cái mà Bộ Tài chính cấp phép cho Manulife theo văn bản số 12200/BTC-QLBH, cái nào là giả, cái nào là thật?

Như phía Manulife khẳng định với anh Đ., thì hợp đồng có tên thương mại “Manulife – Điểm tựa đầu tư” là đúng mẫu do Bộ Tài chính cấp phép. Vậy thì “Tâm an đầu tư” và “Đắc lộc an tâm” thì sao? Nếu như Manulife ghi chú, thì công ty này đã được Bộ Tài chính cấp phép một sản phẩm “bảo hiểm liên kết đơn vị” với ba tên gọi thương mại khác nhau với ba mục đích khác nhau.

Trước lùm xùm về vấn đề hợp đồng thật – giả, mối quan hệ giữa Manulife và SCB, cùng một sản phẩm bảo hiểm có đến ba tên thương mại, dư luận đề nghị, Bộ Tài chính cần phải công khai mẫu các sản phẩm đã cấp phép cho các doanh nghiệp bảo hiểm trên website của Bộ theo đúng quy định. Và Bộ phải trả lời rõ ràng để người dân được biết vì sao “một sản phẩm có ba tên thương mại” của Manulife, đặc biệt là việc liên kết giữa Manulife và ngân hàng SCB khiến hàng trăm khách hàng bị lừa hàng trăm tỷ đồng thời gian qua.

Website của Manulife hiển thị bên cạnh sản phẩm “Tâm an đầu tư” kết hợp với ngân hàng SCB còn có sản phẩm "Gia đình tôi yêu", được Bộ Tài chính cấp phép theo Công văn số 108/BTC-QLBH ngày 6/1/2015.

Sản phẩm “Cuộc sống tươi đẹp” liên kết cùng TP Bank, được phê duyệt theo công văn số 710/BTC-QLBH ngày 18/1/2018.

Trong khi đó, “Đắc lộc tâm an” là sản phẩm do Techcombank liên kết với Manulife cũng được Manulife quảng bá trên website là sản phẩm được Bộ Tài chính phê duyệt theo công văn số 12200/BTC-QLBH ngày 13/9/2017 với tên kỹ thuật là “Bảo hiểm liên kết đơn vị đóng phí định kỳ (phiên bản 2), trùng với công văn 12200 cho phép sản phẩm liên kết với ngân hàng SCB “Tâm an đầu tư”…

Cùng chuyên mục

Ngân hàng thương mại có thể bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định việc cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép và một số quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.

Tin mới

Toán Tiếng Anh: Cầu nối học thuật cho học sinh Việt Nam
Mô hình đào tạo Toán Tiếng Anh tại Việt Nam là một phần của nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng giáo dục và tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với kiến thức toán học quốc tế. Hình thức này vừa củng cố khả năng suy luận vừa nâng cao trình độ ngôn ngữ cho các em, từ đó đặt nền móng vững chắc cho việc khai thác tri thức toàn cầu.