Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 10/11/2021 07:44 (GMT+7)

Ba ứng viên cho vị trí Thủ tướng Trung Quốc

Theo dõi GĐ&PL trên

Câu hỏi lớn nhất cần được trả lời trong hội nghị cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuần này có khả năng không phải là ai sẽ kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình, mà là ai sẽ là người nắm quyền thứ hai.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc hội nghị thứ sáu vào đầu tuần này tại Bắc Kinh, đây cũng được coi là đại hội để ông Tập sắp đặt các bước để tiến tới nhiệm kỳ cầm quyền thứ ba và trao những vị trí cấp cao cho các nhân vật thân cận.

Tuy nhiên, không thành viên trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị hiện tại, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung QUốc, được coi là người có khả năng kế nhiệm ông Tập.

Nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định không đề bạt một người có thể đảm nhận vai trò đó vào Ủy ban Thường vụ, điều đó đồng nghĩa với việc ông Tập sẽ tại vị trong nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đại hội đảng vào mùa thu tới.

Do vị trí đứng đầu nhiều khả năng không thay đổi, cuộc chạy đua cho các vị trí xếp sau đang để ngỏ cho các trợ lý thân cận nhất của ông Tập, cho phép ông củng cố quyền lực của mình trong hàng ngũ cao nhất của đảng.

Bí thư Thượng Hải Lý Cường và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Lý Hi sẽ được điều động đến Bắc Kinh để đảm nhiệm các vai trò lãnh đạo quốc gia sau phiên họp toàn thể, theo dự đoán của tờ Minh Báo (Hong Kong).

Nhiều nhà phân tích cho rằng hai nhân vật họ Lý trên sẽ được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, chuẩn bị kế nhiệm vị trí của ông Lý Khắc Cường, người sẽ rời bỏ chức vụ Thủ tướng vào tháng 3 năm 2023.

Ông Hồ Xuân Hoa, một trong bốn Phó Thủ tướng hiện tại, cũng đủ tiêu chuẩn để trở thành Thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc. Nhưng ông Hồ lại là người xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, một phe phái không được lòng Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhiều khả năng, ông Tập sẽ để một trong hai nhân vật thân cận của mình nắm giữ vị trí Thủ tướng, thay vì lựa chọn ông Hồ Xuân Hoa.

Phiên họp toàn thể tuần này sẽ cập nhật những thành tựu và lịch sử chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước đây chỉ có hai "nghị quyết lịch sử" như vậy được thông qua: một dưới thời Mao Trạch Đông và một dưới thời Đặng Tiểu Bình.

Nhiều người dự đoán nghị quyết lịch sử tiếp theo sẽ nhấn mạnh một kỷ nguyên mới do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo và có lời kêu gọi thúc đẩy khái niệm thịnh vượng chung.

Ông Tập rất ngưỡng mộ Mao, nhà lãnh đạo sáng lập của nước Cộng hòa Nhân dân. Nghị quyết dự kiến ​​sẽ có ngôn ngữ ám chỉ sự kiểm soát lâu dài của chính phủ để đạt được các mục tiêu đặt ra cho năm 2035.

Trong bối cảnh ông Tập củng cố quyền lực, Trung Quốc đang gặp phải nhiều vấn đề cả trong và ngoài nước, về kinh tế và ngoại giao.

Nền kinh tế quốc gia đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Tổng sản phẩm quốc nội trong quý III chỉ tăng 4,9% so với một năm trước đó, giảm so với mức tăng 7,9% trong quý II.

Tình hình tài chính tại các doanh nghiệp Trung Quốc đã trở nên tồi tệ do chi phí nguyên vật liệu cao, điều này đã làm giảm các khoản đầu tư. Các làn sóng dịch bệnh bùng phát trong nước khiến nhu cầu chi tiêu suy giảm.

Đặc biệt, những lùm xùm xoay quanh tập đoàn bất động sản Evergrande đang bắt đầu đe dọa thị trường trong nước, vốn từng là một trong những động lực tăng trưởng chính.

Trên mặt trận đối ngoại, thái độ đối với Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn do kết quả của chính sách "ngoại giao chiến lang", vốn là tập hợp của các lập trường hiếu chiến được các nhà ngoại giao dưới thời ông Tập áp dụng.

Ngoài ra, sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng xuyên biên giới Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã bị cáo buộc đẩy các quốc gia đang phát triển vào bẫy nợ.

Chính quyền của ông Tập dường như đặc biệt căng thẳng trước vấn đề Đài Loan. Việc Trung Quốc càng gia tăng áp lực quân sự tại eo biển Đài Loan làm tăng sức nóng chống lại chính quyền Bắc Kinh từ cộng đồng quốc tế.

Không chỉ Mỹ trở nên rõ ràng hơn trong việc can dự với Đài Loan, mà Liên minh châu Âu gần đây đã cử các thành viên của Nghị viện châu Âu lần đầu đến thăm chính thức hòn đảo này.

Ông Tập dự kiến tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối năm nay, nhưng do bất đồng về vấn đề nhân quyền và tình hình Đài Loan, dường như hai bên sẽ khó đạt được sự đồng thuận nào.

Mối quan hệ Trung Quốc-Australia, vốn từng có nhiều thuận lợi, đã trở nên căng thẳng sau khi Bắc Kinh áp đặt một loạt hạn chế thương mại để trừng phạt Canberra vì đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Khuôn khổ hợp tác an ninh AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ có hiệu lực vào tháng 9, bao gồm việc cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia đã trở thành mối đe dọa đối với sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Một người trong giới truyền thông Trung Quốc cho biết: “Nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và ngoại giao không suôn sẻ. Việc quản trị trong năm tới sẽ trở nên khó khăn dần dần."

Theo Nikkei Asia

Cùng chuyên mục

Bão Toraji gần Biển Đông, giật cấp 12
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ, ngày 10/11, vị trí tâm bão Toraji ở vào khoảng 15,1 độ vĩ bắc; 126,9 độ kinh đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines).

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.