Áp thấp nhiệt đới đang hướng thẳng vào Đà Nẵng có khả năng mạnh lên thành bão
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo vùng áp thấp ở giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và có khả năng mạnh lên thành bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 22h ngày 13/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 113,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Giữa Biển Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 290km về phía Bắc Tây Bắc, cách đất liền các tỉnh Quảng Ngãi-Bình Định khoảng 390km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10-15km/h.
Dự báo đến khoảng 22h, ngày 14/10/2022, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, 10-15 km/h, có khả năng mạnh lên thành bão. Vị trí nằm trên vùng biển Đà Nẵng-Bình Định, cường độ cấp 8, giật cấp 10.
Theo dự báo đến khoảng 22h, ngày 15/10/2022, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10-15 km/h, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau tiếp tục suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, huyện đảo Cù Lao Chàm) có gió Đông Bắc đến Bắc cấp 6, giật cấp 7, biển động; từ chiều 14/10 có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, biển động mạnh. Khu vực giữa Biển Đông sóng biển cao từ 3-5m; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa), sóng biển cao 4-6m. Vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, sóng biển cao từ 2-4m.
Tổng lượng mưa tích lũy từ chiều tối và đêm ngày 13 đến hết ngày 16/10 ở khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên phổ biến từ 200-500mm, có nơi trên 600mm.
Các chuyên gia cảnh báo các đợt mưa liên tiếp khiến độ bão hòa trong đất tăng cao, làm tăng nguy cơ sạt lở các sườn đồi, núi.