Anh Nguyễn Ngọc Mạnh: Mình không hoàn toàn đỡ được em bé, không nhớ rõ các chi tiết vì quá đột ngột
"Thông qua video mọi người đều thấy được mình không hoàn toàn đỡ được em bé, sự việc xảy ra quá đột ngột, mình đã không nhớ rõ được hết các chi tiết. Thành thật mong mọi người thông cảm", anh Nguyễn Ngọc Mạnh chia sẻ trên trang cá nhân.
Khuya 2/3, trên trang Facebook cá nhân, Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội) - người đỡ cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12A của tòa chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân đã chia sẻ đoạn clip khi anh trèo lên mái tôn đưa tay cứu bé gái.
Kèm theo đoạn clip, anh Mạnh viết: "Đây là một video mà mình mới nhận được. Thông qua video mọi người đều thấy được mình không hoàn toàn đỡ được em bé, sự việc xảy ra quá đột ngột, mình đã không nhớ rõ được hết các chi tiết. Thành thật mong mọi người thông cảm".
Đoạn clip này ghi lại khá rõ cảnh anh Nguyễn Ngọc Mạnh cố gắng trèo lên mái tôn, xác định đúng vị trí và tìm cách đỡ bé gái 3 tuổi rơi xuống từ tầng 12 chung cư.
Đoạn clip cho thấy, anh Mạnh đã đứng trên hàng rào đối diện chung cư, nhảy bám qua cột đỡ mái tôn ở tầng 2. Sau đó, anh leo lên mái tôn, vừa leo anh vừa ngước nhìn về phía ban công nơi bé gái đang treo lơ lửng.
Sau khi đứng trên mái tôn, anh Mạnh cố gắng xác định vị trí của cháu bé. Mái tôn trơn khiến anh bị trượt ngã nhưng anh vẫn cố đứng dậy, ngẩng đầu nhìn lên dõi theo bé gái.
Khi bé gái rơi xuống với tốc độ cao, “người hùng không áo choàng” đã không ngần ngại đưa tay ra đỡ. Tuy nhiên, do lực rơi quá mạnh nên bé gái rơi đè vào cánh tay bên phải của anh, đập vào mái tôn rồi nảy lên không trung trước khi rơi xuống lần nữa. Lúc này, anh Mạnh vội vàng lao về phía đứa trẻ, ôm bé vào lòng rồi tìm cách trèo xuống phía dưới.
Video này hiện cũng được lan truyền ở nhiều trang MXH và gây ra dư luận trái chiều về việc anh Nguyễn Ngọc Mạnh có thực sự đỡ được bé gái hay không.
Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến cho rằng, nhờ cú trượt ngã của anh Mạnh mà sự việc càng trở nên may mắn hơn, bởi những lẽ sau:
"Bé gái rơi vào tay anh rồi nảy lên, như vậy đã giảm được rất nhiều lực va đập xuống mái tôn. Anh đã cứu cháu bé, cảm ơn anh”
“Thực tế, quan sát cách anh chồm bắt đón cháu bé tôi thực sự thấy sự may mắn nhân lên gấp đôi. Nếu anh đứng thẳng người và đưa hai tay đón cháu thì đều rất nguy hiểm cho anh và cho cháu. Theo nguyên lý cơ học, với gia tốc rơi nhanh và trọng lượng cháu bé, khi va đập vào tay anh sẽ truyền gia tốc rất lớn cho tay và cơ thể của anh. Anh bắt chặt thì cháu sẽ nguy hiểm và anh cũng nguy hiểm. Nên quả thật, cú trượt chân của anh và nhảy chồm đón cháu bé là sự may mắn gấp đôi”.