Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 02/09/2021 09:38 (GMT+7)

Việt Nam trong tim tôi

Theo dõi GĐ&PL trên

Trong những ngày dịch bệnh, có một Việt Nam luôn kiên cường, dũng cảm, đoàn kết và dìu nhau qua gian khó. Đó là Việt Nam nằm trong tim của mỗi người.

Việt Nam trong tim tôi Ảnh 1

"Má tôi là người cất giữ nhiều kí ức về chiến tranh. Bom rơi, đạn lạc, cảnh đói khổ... ông bà đều đã từng trải qua. Nhưng bao giờ cũng thế, má luôn kết thúc bằng câu nói: Càng khó khăn, người ta càng thương nhau nhiều hơn", chị Hoàng Yến (sinh năm 1987) kể.

Ngày 2/9 năm nào, nhà chị cũng sẽ nô nức tiếng nói cười. Đó là dịp bọn nhỏ có thể về thăm ông bà trước khi bước vào năm học mới. Đường phố ở TP.HCM rực rỡ sắc cờ và hoa. Tối đến, chị sẽ dành chút thời gian để ngắm pháo bông rền vang trền nền trời.

Năm nay, dịch bệnh kéo đến làm cho mọi hoạt động phải gác lại, cuộc sống cũng khó khăn hơn. Nhưng thật lạ, giống như mẹ chị nói, càng trong gian khó, người ta lại càng biết thương, biết nghĩ cho nhau nhiều hơn.

Mấy nhà F0 trong khu phố phải giăng dây, hàng xóm cứ đặt gạo, trái cây, mắm muối... trước cửa nhà. Con cá, mớ rau, túi tỏi, bó hành... người ta cứ san sẻ, chia sớt cho nhau những điều nhỏ nhất. Chị gọi đó là những thương yêu "diệu kì", khiến ngày qua ngày người ta có thể vun đắp được niềm tin chiến thắng bệnh dịch.

"Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, yêu thương rồi sẽ ở lại", chị tin là như thế.

Việt Nam trong tim tôi Ảnh 2

Những ngày qua, COVID-19 đã trở thành từ khóa nóng nhất trên mạng xã hội. Có biết bao hình ảnh đau thương đã được ghi lại, con mất cha, vợ mất chồng, chị mất em. Nhưng bên cạnh đó, nhiều khoảnh khắc đẹp, đầy cảm xúc cũng đã khiến chúng ta khắc ghi.

Đó là hình ảnh bác sĩ Đặng Minh Hiệu, nở nụ cười thật tươi khi đang cắt tóc, chuẩn bị ra "tuyến lửa" Bắc Giang.

Đó là cô tình nguyện viên bé nhỏ, đứng che dù cho người dân đi lấy mẫu.

Đó là lời cảm ơn trong nước mắt của bệnh nhân F0 được tặng oxy, được cấp cứu kịp thời.

Đó là gương mặt hạnh phúc của những người lang thang, vô gia cư được tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên.

Anh Võ Trần Đức Hoàng (sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn) chia sẻ: "Mỗi ngày, mình nhìn thấy số ca nhiễm tăng cao, lòng dạ rối bời lắm chứ. Người mình quen biết, người mình nói chuyện trên mạng xã hội, người mình gặp ngoài đời... họ là bệnh nhân F0, một số người bị COVID-19 mang đi.

Nhưng bạn biết đó, nỗi đau còn đó nhưng yêu thương quanh mình sẽ không ngừng nảy nở. Mình tin là như thế. Mình nghĩ những biểu hiện tích cực nho nhỏ đó cũng được khởi phát từ tình thương yêu giữa con người với con người.

Việt Nam trong tim tôi Ảnh 3

Những hình ảnh quá đẹp, đầy tính nhân văn của những nhân viên y tế và các bạn tình nguyện viên tuyến đầu ở các bệnh viện dã chiến, ở các khu cách ly. Những mạnh thường quân đóng góp vật chất lẫn tinh thần hay những bữa cơm được san sẻ đầy yêu thương trong mùa dịch. Và tất nhiên, còn rất nhiều những câu chuyện tử tế khác nữa vẫn đang diễn ra từng giờ, từng ngày xung quanh chúng ta. Có lẽ, chính những cộng hưởng đó đã tạo nên "đề kháng cộng đồng" đưa mọi việc trở về điểm bình an như nó vốn có".

Việt Nam trong tim tôi Ảnh 4

Tháng 5/2021, Bắc Giang trở thành "điểm nóng" của cả nước với số ca mắc COVID-19 tăng cao. Ngay sau đó, đội chi viện từ TP.HCM, Hà Nội đã có mặt tại Bắc Giang. Họ là những y bác sĩ tại các bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM), bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)... xung phong lên đường chống dịch.

"Chảo lửa" Bắc Giang hạ nhiệt, TP.HCM lại bắt đầu bước vào cuộc chiến mới với COVID-19. Dịch bệnh kéo đến, giãn cách xã hội kéo dài đã khiến không ít gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Từ đó, hàng chục chuyến xe chở rau củ, nhu yếu phẩm ở mọi miền đất nước cũng đã hướng về Sài Gòn.

Trong những ngày dịch bệnh, sự san sẻ luôn len lỏi ở khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S này.

Việt Nam trong tim tôi Ảnh 5

"Chính những điều đó đã tạo nên một Việt Nam kiên cường, dũng cảm và dạt dào tình yêu thương", Huỳnh Thanh Sang (tình nguyện viên) mở đầu câu chuyện của mình.

Chỉ còn vài ngày nữa, Sang sẽ bước vào năm học mới. Mùa hè năm 2021 có lẽ là mùa hè đặc biệt nhất cuộc đời em. Những ngày ở nhà, Sang xem TV thấy những y bác sĩ tuyến đầu vất vả, các chuyến xe thiện nguyện, tiếp oxy hoạt động hết công suất. Sang đã trở thành tình nguyện viên vì em muốn góp chút sức mình.

Sang đang là học sinh. "Càng đi làm tình nguyện, em càng cảm nhận được tinh thần đoàn kết, năng lượng tích cực của mỗi người dân Việt Nam từ Bắc vào Nam trong những ngày chống dịch khốc liệt như thế này.

Công việc của em có thể là hỗ trợ tiêm vaccine tại các điểm tiêm cố định, phân luồng giữ khoảng cách khi người dân xếp hàng, hỗ trợ điền thông tin cho các cô chú lớn tuổi, giúp các y bác sĩ đo huyết áp cho người dân, trả phiếu chứng nhận tiêm chủng cho người dân đã tiêm chủng. Bên cạnh đó, em cũng đi theo các đội lấy mẫu xét nghiệm lưu động để chuẩn bị kit xét nghiệm giúp các anh chị bác sĩ, đi chợ giúp dân...

Trong những ngày qua, em thấy được sự vất vả của mỗi người. Bất kể ngày đêm, nắng mưa, họ vẫn làm việc giúp đỡ người dân. Em cảm nhận được ý chí, quyết tâm đó nên rất cảm phục".

Không chỉ Sang, hàng nghìn tình nguyện viên, y bác sĩ khác cũng cảm nhận được bầu không khí chống dịch tại Việt Nam. TP.HCM, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Hà Nội... nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh lây lan nhanh chóng.

Căng thẳng, cam go và đầy khốc liệt, nhưng hơn hết, chúng ta vẫn dũng cảm bước đi. Vì Việt Nam luôn nằm trong tim mỗi người.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...