Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ sáu, 26/01/2024 11:06 (GMT+7)

Việc thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ được quy định như thế nào?

Theo dõi GĐ&PL trên

Thế nào là chứng cứ, việc thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ được pháp luật quy định như thế nào?

Việc thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ được quy định như thế nào?
Ảnh minh họa.

Trong tố tụng hình sự thì vấn đề chứng cứ và chứng minh là những vấn đề rất quan trọng, quyết định đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Xác định tài liệu đồ vật nào là chứng cứ, có giá trị chứng minh và việc sử dụng chứng cứ, đánh giá chứng cứ như thế nào trong quá trình tranh tụng có thể quyết định đến việc giải quyết vụ án.

Điều 86, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: "Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án".

Như vậy, có thể thấy những gì được coi là chứng cứ phải là những thứ có thật, có liên quan đến vụ án hình sự và được thu thập theo trình tự thủ tục luật định. Chứng cứ có 03 thuộc tính là tính khách quan, tính liên quan và thu thập hợp pháp. Nếu thiếu một trong các thuộc tính đó thì tài liệu đồ vật đó không được coi là chứng cứ. Chứng cứ dùng để chứng minh hành vi có tội (để buộc tội), không có tội (gỡ tội) hoặc để chứng minh tính chất, mức độ hành vi, nhân thân và các tình tiết khác của vụ án hình sự.

Ngoài ra, tại Điều 87, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định, chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác.

Khoản 2, Điều 87, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định: "Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.". Chính vì vậy, đối với các bị can, bị cáo, người đang chấp hành án thì họ bị cách ly với đời sống xã hội, mọi thứ từ văn bản, ý kiến của họ chuyển ra bên ngoài phải có sự xét duyệt, xác nhận của cơ sở giam giữ. Do đó, những nội dung lời khai giấu diếm, lén lút của bị can, bị cáo, người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được cơ sở giam giữ xác nhận thì không được coi là chứng cứ, không được dùng để sử dụng làm căn cứ chứng minh trong vụ án hình sự.

Trong trường hợp các bị can, bị cáo, người bào chữa hoặc những người khác biết được bị can bị cáo khác hoặc phạm nhân khác có những thông tin quan trọng có thể làm chứng cứ, là người làm chứng thì phải liên hệ với cơ sở giam giữ để được xác nhận, thu thập chứng cứ có xác nhận của cơ sở giam giữ thể chứng cứ đó mới hợp lệ, có thể sử dụng làm căn cứ để chứng minh, mới thỏa mãn các thuộc tính của chứng cứ trong đó có thuộc tính là "thu thập hợp pháp".

Có hai vấn đề đặt ra là lời khai của một bị can bị cáo nào đó có được coi là chứng cứ hay không thì phải đảm bảo tính khách quan, tính liên quan và thu thập hợp pháp. Nếu chỉ thu thập hợp pháp nhưng không khách quan hoặc không liên quan thì cũng không được coi là chứng cứ. Ngoài ra, lời khai buộc tội chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với tài liệu chứng cứ khác, thể hiện tính khách quan. Lời khai gỡ tội cũng vậy, nếu chỉ một lời khai thì phải phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác. Pháp luật tố tụng hình sự quy định việc đánh giá chứng cứ phải toàn diện, khách quan, xem xét mọi mặt để có kết luận chính xác.

Đối với vấn đề bức cung, nhục hình thì thường sẽ để lại dấu vết, có chứng cứ vật chất để chứng minh. Còn đối với hành vi "mớm cung", "dụ cung" thì rất khó để chứng minh. Hiểu thế nào là mớm cung, dụ cung cũng là vấn đề cần bàn. Trong trường hợp tại phiên tòa mà các bị cáo phản cung cho rằng mình bị mớm cung hoặc có lời khai của bị cáo khác cho rằng có bị cáo bị mớm cung thì Tòa án sẽ xem xét lại các bản cung đó, đọc lại nội dung câu hỏi trong bản cung xem câu hỏi đó có tính chất mớm cung, dụ cung hay không, chứ không chỉ căn cứ vào lời khai tại phiên tòa. Việc đánh giá lời khai của bị cáo, của người làm chứng có khách quan hay không, có đúng sự thật hay không thì không chỉ lời khai một lần, một buổi mà phải đánh giá nội dung lời khai trong suốt quá trình giải quyết vụ án và phải xem xét có phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác hay không để xác định đâu là sự thật, làm căn cứ giải quyết vụ án hình sự.

Theo Điều 88, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

Ngoài ra, để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.

Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.

Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay thì người bào chữa, bị cáo và những người khác đều có quyền thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật và có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó cho cơ quan tiến hành tố tụng. Trong giai đoạn xét xử thì nó có thể cung cấp cho thẩm phán, cho Tòa án hoặc tại phiên tòa thì giao nộp tại bàn thư ký để Tòa án xem xét. Trong phần tranh tụng các bên sẽ kiểm tra đánh giá chứng cứ và sử dụng chứng cứ để buộc tội hoặc gỡ tội theo chức năng của mình. Nếu tại phiên tòa xuất hiện các chứng cứ quan trọng mà chưa thể kiểm tra đánh giá được thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Trong trường hợp tại phiên tòa xuất hiện các tài liệu đồ vật mới như hội đồng xét xử đánh giá đó không phải là chứng cứ vì không khách quan, không liên quan hoặc không được thu thập hợp pháp thì sẽ không sử dụng để chứng minh trong vụ án đó.

Ngoài vấn đề xác định tài liệu, đồ vật nào là chứng cứ thì vấn đề sử dụng chứng cứ và đánh giá chứng cứ cũng là vấn đề quan trọng quyết định đến kết quả giải quyết vụ án hình sự. Giá trị chứng minh của chứng cứ là cơ sở để lập luận buộc tội, gỡ tội, kết tội đối với từng bên trong tố tụng hình sự.

Điều 91, Bộ luật Tố tụng hình sự thì quy định, người làm chứng trình bày những gì mà họ biết nguồn tin về tội phạm, về vụ án, nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra.

Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó. Bởi vậy, nếu người làm chứng là những người nhìn thấy, nghe thấy sự việc có liên quan đến việc giải quyết vụ án, họ khách quan và được cơ quan tố tụng triệu tập là người làm chứng thì những nội dung lời khai của họ mới có thể có ý nghĩa, làm căn cứ để giải quyết vụ án.

Theo Điều 99, Bộ luật Tố tụng hình sự thì dữ liệu điện tử cũng được coi là chứng cứ. Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Điều 81, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về việc thu thập, giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa như sau: Người bào chữa thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 88 của Bộ luật này. Tùy từng giai đoạn tố tụng, khi thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người bào chữa phải kịp thời giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án. Việc giao, nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này. Trường hợp không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa thì người bào chữa có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập.

Như vậy, với những tài liệu, đồ vật mà người bào chữa thu thập được từ các cơ quan, tổ chức trong đó các có thể là các tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử mà thỏa mãn các thuộc tính của chứng cứ (tính khách quan, tính liên quan và thu thập hợp pháp) thì cũng được coi là chứng cứ, làm căn cứ giải quyết vụ án hình sự.

Còn việc đánh giá giá trị chứng minh của chứng cứ đó như thế nào, có sử dụng để buộc tội hoặc gỡ tội hay không sẽ phụ thuộc vào nội dung tranh luận và kết quả tranh luận công khai tại phiên tòa. Viện kiểm sát có quyền sử dụng các tài liệu đồ vật làm chứng cứ để buộc tội hoặc gỡ tội cho bị cáo. Luật sư bào chữa sẽ sử dụng các tài liệu đồ vật cùng với lập luận của mình để gỡ tội cho thân chủ của mình. Quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa là quá trình kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ và sử dụng chứng cứ làm cơ sở để buộc tội hoặc gỡ tội. Cuối cùng Tòa án là cơ quan có thẩm quyền sử dụng chứng cứ, đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự. Điều 26, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định kết quả giải quyết vụ án hình sự phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa.

Khi giải quyết vụ án hình sự, pháp luật quy định mọi chứng cứ dùng làm căn cứ buộc tội hay gỡ tội cho các bị cáo hoặc các chứng cứ có liên quan đến các tình tiết của vụ án, quyết định đến việc áp dụng hình phạt đều phải được đưa ra kiểm tra đánh giá công khai tại phiên tòa. Với những vụ án mà bị cáo kêu oan thì việc kiểm tra đánh giá chứng cứ cần phải thận trọng, khách quan. Đánh giá chứng cứ trên cơ sở hệ thống chứng cứ, đặt trong bối cảnh cụ thể, phải đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ, khách quan về mọi mặt thì mới có thể xác định sự thật của vụ việc phải làm căn cứ giải quyết vụ án. Trong giải quyết vụ án hình sự thì việc xác định đâu là chứng cứ, giá trị chứng minh của chứng cứ đó như thế nào và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật nào để giải quyết là những vấn đề quan trọng.

Giải quyết vụ án hình sự cũng giống như giải một bài toán. Nếu có một sự so sánh giữa giải quyết vụ án hình sự và giải một bài toán của học sinh thì việc sử dụng chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự cũng giống như sử dụng các con số, dữ liệu để giải một bài toán trong đề bài; còn việc áp dụng pháp luật cũng giống như việc áp dụng công thức trong giải bài toán. Nếu số liệu nhầm lẫn thì công thức đúng kết quả cũng sai; đồng thời nếu công thức đúng mà số liệu không đúng thì kết quả cũng sai. Bởi vậy, để giải bài toán có kết quả đúng thì phải sử dụng đúng dữ liệu đề bài và áp dụng đúng công thức, để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự thì đòi hỏi phải xác định chính xác chứng cứ, sử dụng đúng chứng cứ và đánh giá chính xác chứng cứ trên cơ sở áp dụng đúng đắn pháp luật.

Trong các vụ án hình sự và có bị cáo kêu oan, Luật sư bào chữa cho bị cáo kêu oan thì cũng sẽ rất nỗ lực trong việc thu thập chứng cứ, kiểm tra đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ làm cơ sở bào chữa cho thân chủ của mình sao cho sắc bén nhất, thuyết phục nhất để đảm bảo tính hiệu quả trong tranh tụng. Chỉ có những người trong cuộc là bị cáo, người bị hại, người liên quan mới là những người biết rõ nhất về bản chất của sự việc. Những người tham gia tố tụng khác và những người tiến hành tố tụng chỉ đánh giá sự việc thông qua hệ thống chứng cứ. Bởi vậy, vấn đề thu thập chứng cứ, sử dụng chứng cứ để chứng minh trong tố tụng hình sự để xác định bản chất sự việc thông qua hệ thống chứng cứ để giải quyết vụ việc là rất quan trọng.

Một trong những cách chứng minh bị cáo không phạm tội là chứng minh bị cáo có "chứng cứ ngoại phạm", có nghĩa rằng chứng minh bị cáo là người thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nhưng không có mặt trên hiện trường vụ án tại thời điểm hành vi phạm tội xảy ra. Nếu có căn cứ cho thấy điện thoại của bị cáo không xuất hiện ở hiện trường vụ án thì cũng là một trong những tình tiết để nghi ngờ vị trí của bị cáo tại thời điểm phạm tội xảy ra. Tuy nhiên, một người có thể sử dụng nhiều số điện thoại và không phải lúc nào chủ nhân của chiếc điện thoại cũng để điện thoại bên mình. Bởi vậy, vị trí chiếc điện thoại không phải là căn cứ duy nhất để chứng minh vị trí của chủ nhân thuê bao đó. Chính vì vậy để chứng minh chứng cứ ngoại phạm thì không chỉ căn cứ vào chiếc điện thoại của bị cáo mà còn phải căn cứ vào nhiều tài liệu chứng cứ khác như người làm chứng, các dữ liệu, thông tin khác để chứng minh cho luận điểm của mình.

Trong tranh tụng thì có 03 bên là bên buộc tội (viện kiểm sát) bên gỡ tội (bị cáo và người bào chữa) và bên xét xử theo chức năng tố tụng. Tòa án sẽ lắng nghe bên buộc tội và bên gỡ tội tranh luận và có quyền phán quyết, đồng thời chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung phán quyết của mình. Nếu bản án giải quyết không đúng đắn thì có thể bị Tòa án cấp trên hủy hoặc sửa theo các trình tự thủ tục luật định (phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm).

Về nguyên tắc thì Tòa án xét xử hai cấp là sơ thẩm và phúc thẩm. Bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực ngay, nếu không đồng ý với nội dung bản án phúc thẩm thì bị cáo vẫn phải chấp hành án nhưng có quyền gửi văn bản đến người có thẩm quyền để được xem xét lại bản án này theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Cùng chuyên mục

Mua đất thuộc quy hoạch có được trả lại tiền?
Khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chỉ có đất), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (đất, nhà ở và tài sản khác nếu có) thuộc quy hoạch nhưng người nhận chuyển nhượng không biết thì có quyền trả lại đất và yêu cầu bên chuyển nhượng trả lại tiền.
Từ 2025 người chưa nộp phạt vi phạm giao thông sẽ không được cấp, đổi giấy phép lái xe
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 01/01/2025 quy định, cơ quan chức năng sẽ không cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm giao thông chưa nộp phạt cũng như không thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện vi phạm chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.
Quyền của người tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật mới
Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được nhận các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, thuận tiện; hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp đang hưởng lương hưu; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng...

Tin mới

Thuê mặt bằng TPHCM: Đầu tư thông minh, sinh lời bền vững
Bạn đang tìm kiếm mặt bằng cho thuê tại TPHCM để mở rộng kinh doanh nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Với sự sôi động và đa dạng về vị trí, việc thuê mặt bằng TPHCM có thể mang đến cơ hội phát triển, nhưng cũng không ít thách thức. Trong bài viết này, Mogi.vn sẽ giúp bạn tìm được không gian kinh doanh lý tưởng, tiết kiệm thời gian và công sức với những lựa chọn đa dạng, đáp ứng với mọi nhu cầu và phù hợp với bạn.
Giải mã bí quyết giúp Vincom Retail giữ vững vị thế đối tác cho thuê hàng đầu thị trường
Khởi đầu vào năm 2004 với Vincom Center Bà Triệu (Hà Nội), chỉ sau hai thập kỷ, Vincom đã sở hữu 88 trung tâm thương mại (TTTM) hiện diện tại 48/63 tỉnh thành, Vincom Retail liên tục khẳng định vị thế đối tác cho thuê hàng đầu thị trường, với lưới dự án lớn bậc nhất Việt Nam, bảo chứng đem đến thành công cho các doanh nghiệp.
Quảng Ninh tung chương trình ưu đãi sâu đến 50% cho du khách
Ngày 20/11, Sở Du lịch Quảng Ninh đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group tổ chức chương trình Lễ công bố hợp tác kích cầu du lịch “Quảng Ninh-Điểm đến bốn mùa” nhằm gia tăng sức cạnh tranh và tăng cường thu hút du khách đến với miền di sản vào dịp cuối năm 2024.
Chủ tịch Hà Nam: Đô thị nghỉ dưỡng của Sun Group sẽ từng bước đưa Phủ Lý thành đô thị đáng sống
Chỉ trong thời gian ngắn, những hạng mục đầu tiên của đại đô thị nghỉ dưỡng quy mô 420ha Sun Urban City của Sun Group đã dần lộ diện: trục cảnh quan lễ hội, Công viên nước Sun World... Ông Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam tin tưởng: “Sun Urban City sẽ làm thay da đổi thịt cho Phủ Lý”.
Hà Nội sắp rét hơn 10 độ C
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh sắp về miền Bắc, nhiệt độ ở Thủ đô Hà Nội có thể sẽ giảm hơn 10 độ C vào ngày cao điểm (dự kiến ngày 28/11).
Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.