Tuyển sinh đại học 2023: Thí sinh không cần đăng ký phương thức, tổ hợp xét tuyển
Theo thông tin từ đại diện Vụ Giáo dục đại học, năm nay, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành/chương trình đào tạo mà không cần đăng ký phương thức, hay tổ hợp xét tuyển.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, đại diện Vụ Giáo dục đại học cho biết, mỗi ngành học có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Tuy nhiên, thí sinh chỉ cần đăng ký ngành/chương trình đào tạo mà mình mong muốn ứng tuyển và có kết quả các tổ hợp phù hợp với phương thức xét tuyển của ngành/chương trình học đó là được xét tuyển. Thí sinh được ưu tiên tối đa và sẽ trúng tuyển bằng phương thức tốt nhất mà mình có.
Đối với thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, không có nghĩa là các em đã trúng tuyển chính thức. Thí sinh chỉ trúng tuyển chính thức khi đăng ký nguyện vọng đó trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Hệ thống) và tốt nghiệp THPT. Khi đó, hệ thống lọc ảo sẽ xử lý các nguyện vọng và thí sinh sẽ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất.
Khi xét tuyển sớm, thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường. Tuy nhiên, thực tế các em đang giữ “vị trí ảo” mà thí sinh khác cũng mong muốn trúng tuyển. Hệ thống sẽ giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất mà các em mong muốn nhất trong khả năng của mình. Các vị trí còn lại sẽ dành cho thí sinh khác đang xếp hàng phía sau. Do đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin trong đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo, cũng như quy chế tuyển sinh. Việc thực hiện đăng ký xét tuyển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về điều kiện hồ sơ, quy trình và thời gian dự tuyển.
Năm trước, có thí sinh tưởng đã trúng tuyển nhưng lại bị loại khi nhập học. Năm nay, minh chứng về ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực đã được rà soát từ khi thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp nên sẽ góp phần giảm thiểu những rủi ro do sai sót về đối tượng khu vực và ưu tiên. Theo quy định, mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).
Cụ thể, mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường. Ví dụ, nếu lấy mốc 24 điểm, thì những thí sinh đạt từ 24 điểm/3 môn trở xuống vẫn sẽ được hưởng điểm ưu tiên như hiện nay. Nếu thí sinh đạt mức 25 điểm sẽ chỉ còn được hưởng 5/6 mức điểm ưu tiên, 27 điểm sẽ chỉ còn 3/6… Thí sinh 30 điểm không còn được điểm ưu tiên. Như vậy sẽ không có thí sinh có điểm xét vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn.
Đại diện Vụ Giáo dục đại học lưu ý, thí sinh cần tìm hiểu kỹ tài liệu hướng dẫn và phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Với thí sinh tham gia xét tuyển sớm và đã trúng tuyển có điều kiện, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm cập nhật kết quả lên hệ thống để các em chủ động lựa chọn thứ tự nguyện vọng khi thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Ngoài ra, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng nhưng cũng không nên đăng ký quá ít, đặc biệt đừng bao giờ chỉ đặt duy nhất một nguyện vọng để tránh rủi ro. Thí sinh cần có lựa chọn thông minh và nên mạnh dạn đăng ký những nguyện vọng mình yêu thích, với những ngành học mà mình đam mê lên thứ tự đầu tiên. Việc này rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các em sau này. Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, kể cả không nhập học các em cũng không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng 2, 3, 4. Không có chuyện thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng sau đó lại mong muốn vào học ở nguyện vọng tiếp sau.