Tuyển sinh Đại học 2023: Nhiều trường mở ngành học mới
Tính đến đầu tháng 2/2023, hơn 60 cơ sở giáo dục đại học đã công bố thông tin tuyển sinh đại học năm 2023 bao gồm: Phương thức tuyển sinh; các ngành, nhóm ngành; chỉ tiêu tuyển sinh… Một số trường công bố mở thêm ngành, chương trình mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, xu hướng đào tạo đa ngành, đa nghề và quốc tế hóa nguồn nhân lực.
Năm 2023, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển 4.100 chỉ tiêu ở trụ sở chính Hà Nội và các cơ sở trực thuộc. Trong đó, trường mở thêm ngành mới, bắt đầu tuyển sinh ngành Kinh tế chính trị, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế tại trụ sở chính Hà Nội. Nhà trường đã có chủ trương và quy hoạch mở ngành này để đa dạng hóa lĩnh vực đào tạo, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển trường trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Trường Đại học Thủy lợi dự kiến sẽ mở mới 3 ngành là: Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Trung và Luật Kinh tế với chỉ tiêu 40 sinh viên mỗi ngành.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 50 ngành, chương trình đào tạo. Trong đó có các ngành, chương trình đào tạo dự kiến mở mới như: Năng lượng tái tạo; Kỹ thuật sản xuất thông minh; Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh; Ngôn ngữ học.
Hội đồng tuyển sinh Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đồng ý mở mới nhiều ngành bậc đại học ở các trường thành viên, như thí điểm mở ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường Đại học Công nghệ thông tin); Quản lý tài nguyên và môi trường, Công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên); Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm, Thú y (Trường Đại học An Giang); Y học cổ truyền và ngành Điều dưỡng (Khoa Y).
Trường Đại học Công nghệ miền Đông thông báo mở mới thêm 4 ngành là Điều dưỡng, Ngôn ngữ Trung, Công nghệ Tài chính và Digital Marketing, nâng tổng số ngành đào tạo của trường này năm 2023 là 17 ngành.
Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) dự kiến năm nay tuyển sinh 59 ngành học, trong đó mở mới một số ngành phục vụ xu hướng phát triển xã hội và nhu cầu nhân lực như: Công nghệ ô tô điện, Bất động sản, Luật thương mại quốc tế, Quản lý thể dục thể thao.
Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố mở mới một số chương trình đào tạo gắn liền với kỷ nguyên số, gồm Công nghệ tài chính (Fintech), Marketing công nghệ (Martech), Kinh doanh số (Digital business), Robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI), Công nghệ logistics (Logtech) và chương trình song bằng mới về Kinh tế chính trị - Luật và Quản trị địa phương.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến tuyển sinh ngành học mới là Y dược cổ truyền (đào tạo bác sĩ y dược cổ truyền).
Bên cạnh đó, những năm gần đây, một bộ phận thí sinh có xu hướng lựa chọn ngành học của các trường đại học nước ngoài, thông qua chương trình liên kết quốc tế. Đáp ứng nhu cầu người học, mùa tuyển sinh 2023, nhiều trường cũng hướng tới đẩy mạnh xét tuyển chương trình này.
Thống kê của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến năm 2022, các trường đại học trên cả nước triển khai hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài cho bậc đại học. Trong đó, 186 chương trình do các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cấp phép và 222 chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép.
Chương trình liên kết đào tạo ở Việt Nam đa dạng về ngành, lĩnh vực cũng như đối tác. Vương quốc Anh đang là quốc gia dẫn đầu về chương trình liên kết tại Việt Nam, với 101 chương trình, chiếm khoảng 25%. Các quốc gia xếp vị trí tiếp theo lần lượt là Mỹ với 59 chương trình, Pháp 53 chương trình, Australia 37 chương trình và Hàn Quốc 27 chương trình.