Trẻ thích nói 3 câu này là biểu hiện đang gặp vấn đề về tâm lý, có nguy cơ mắc trầm cảm
Bố mẹ nếu phát hiện con trẻ thường xuyên nói những lời này thì đừng lơ là bỏ qua kẻo hối hận.
Trầm cảm là một bệnh tâm thần khá phổ biến trong thời hiện đại ngày nay, và bệnh nhân thường có các biểu hiện như tâm trạng chán nản và hay hình thành những suy nghĩ tiêu cực. Trong ngôn ngữ của mình, họ cũng vô thức bộc lộ thái độ tiêu cực với mọi thứ xung quanh.
Trên thực tế, những đứa trẻ đang gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần, có nguy cơ mắc trầm cảm thường nói 3 câu này. Bố mẹ cần chú ý quan sát đứa trẻ của mình và nhận ra sớm để kịp thời có sự can thiệp phù hợp trước khi dẫn đến những hậu quả tiêu cực.
"Con không thể làm điều đó"
Đối với những đứa trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý, có nguy cơ bị trầm cảm thì một trong những đặc điểm chung là con luôn cảm thấy mình không thể hoàn thành những việc mà người khác coi là đơn giản. Dù là những nhiệm vụ hàng ngày, công việc nhỏ nhặt hay những mục tiêu lớn lao.
Trẻ thường mang trong mình sự nghi ngờ về năng lực và giá trị của bản thân. Trẻ có xu hướng phê phán và tự đánh giá mình một cách khắt khe, thường nhìn nhận mọi thứ theo góc nhìn tiêu cực và nhận thức rằng bản thân không đáng nhận được tình yêu thương hay sự quan tâm từ người khác.
Những suy nghĩ tiêu cực và sự phủ nhận bản thân này tạo ra một cảm giác cô đơn và tuyệt vọng trong tâm trí của trẻ. Trẻ có thể mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn của sự tự trách móc, tự hủy hoại và cảm giác không thể thoát ra khỏi những suy nghĩ u ám này.
Chính cảm xúc tiêu cực như thế sẽ dễ khiến cho trẻ trở nên vô cùng sợ hãi và bất an về tương lai của mình. Con có thể mất đi sự hy vọng và niềm tin vào khả năng thay đổi hay phục hồi.
Việc nhận ra và hiểu rõ những suy nghĩ cũng như cảm xúc này của con là một bước quan trọng trong việc hỗ trợ và kịp thời có những sự can thiệp phù hợp từ bố mẹ, để từ đó giúp trẻ điều chỉnh lại sức khoẻ tâm thần của bản thân trước khi quá muộn.
"Con thật vô dụng"
Câu "con thật vô dụng" là một trong những câu thường được trẻ em đang gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần nói ra, và nó thể hiện rõ sự thất vọng, cũng như sự tự ti mạnh mẽ của trẻ về bản thân.
Trẻ có thể thường cảm thấy rằng mình không thể đáp ứng được những kỳ vọng và yêu cầu của mọi người xung quanh. Bởi vì mình không đủ thông minh, không giỏi giang nên không thể tạo ra giá trị hay làm điều gì đó tốt đẹp cho cuộc sống, cho người khác. Câu nói "con thật vô dụng" như một cách để trẻ tự đánh giá và nhìn nhận về chính bản thân mỗi khi gặp thất bại.
Để giúp trẻ vượt qua những suy nghĩ và cảm xúc này, quan trọng là bố mẹ cần tạo ra một môi trường gia đình an toàn và yêu thương. Gia đình và người thân cần thể hiện sự quan tâm và lắng nghe trẻ một cách chân thành. Tạo điều kiện cho trẻ thể hiện những suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách tự do mà không bị phê phán.
Đồng thời, hỗ trợ trẻ trong việc xây dựng sự tự tin và khám phá những điểm mạnh của bản thân. Điều quan trọng là khuyến khích trẻ nhìn nhận chính mình một cách tích cực và giúp trẻ nhận ra rằng tất cả mọi người đều có giá trị và có khả năng thay đổi, phát triển trong tương lai.
"Không ai quan tâm đến con cả!"
Khi một đứa trẻ đối mặt với vấn đề về sức khoẻ tâm thần, con có thể luôn cảm thấy mình không được quan tâm và không có ai hiểu cũng như chia sẻ những khó khăn của mình. Cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi thường trở nên rất mạnh mẽ trong tâm trí của trẻ.
Trẻ bất an, thiếu cảm giác an toàn và luôn khao khát nhận được sự chú ý, tình yêu thương từ những người xung quanh. Chính vì thế mà trẻ luôn tự đặt ra nghi vấn cho bản thân hoặc trách người thân, đặc biệt là bố mẹ bằng câu nói "không ai quan tâm đến con cả". Đây hoàn toàn là biểu hiện cho thấy đứa trẻ đang gặp vấn đề bất ổn về sức khoẻ tinh thần. Nếu không được bố mẹ kịp thời phát hiện và đưa ra sự hỗ trợ phù hợp thì về lâu về dài, trẻ rất dễ có nguy cơ rơi vào trầm cảm.
Trong tình huống này, điều quan trọng là bố mẹ cần thể hiện sự quan tâm, yêu thương và lắng nghe con trẻ một cách chân thành. Tạo một môi trường ủng hộ và an toàn cho con để đứa trẻ được thoải mái thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình. Đồng thời, khuyến khích trẻ mạnh dạn chia sẻ những khó khăn và lo lắng của mình và bố mẹ sẽ cho trẻ biết rằng bố mẹ luôn ở đây để sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ khi con cần.
Ngoài ra, bố mẹ cũng đừng do dự mà tìm kiếm sự hướng dẫn từ các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ nếu thấy con trẻ có nguy cơ bị trầm cảm hoặc gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ tâm thần. Bởi vì họ là những người có thể cung cấp những phương pháp và quy trình chữa trị phù hợp để giúp con trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi sức khoẻ tâm thần một cách tích cực, hiệu quả nhanh chóng nhất.