Trẻ học lớp năng khiếu là tốt, nhưng học quá sớm 3 lớp này sẽ dễ mai một tài năng
Việc cho trẻ tham gia các lớp năng khiếu là tốt, tuy nhiên bố mẹ cũng nên chú ý đến độ tuổi và sở thích của con.
Hiện nay nhiều phụ huynh chú trọng đến việc rèn luyện thêm năng khiếu cho trẻ, tất nhiên việc học những điều này là tốt, nhằm rèn luyện tài năng và sự tự tin trong tương lai.
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, không phải tất cả các môn năng khiếu hay rèn luyện kỹ năng nào đó đều tốt cho trẻ. Đặc biệt trong một số trường hợp, bố mẹ không nên quá nóng lòng muốn cho con học quá sớm, điều này không tạo ra được lợi ích mà có thế phản tác dụng.
Thay vào đó, bố mẹ nên quan tâm đến độ tuổi cũng như sự hứng thú của trẻ, không nên cho con tham gia học 3 lớp kỹ năng sau đây quá sớm.
Cho trẻ học thanh nhạc
Đây là lớp năng khiếu cho trẻ phổ biến hiện nay, việc học thanh nhạc mang lại niềm vui, những lợi ích nhất định trong việc học tập sau này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cho trẻ học thanh nhạc khi còn quá nhỏ có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển.
Một trong những lý do là dây thanh âm của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Việc học thanh nhạc đòi hỏi sự linh hoạt và điều chỉnh của hệ thần kinh và các cơ quan liên quan. Trẻ nhỏ có thể chưa có khả năng phối hợp chính xác giữa hàm răng, lưỡi, môi và dây thanh âm để tạo ra những âm thanh chính xác.
Việc ép buộc trẻ học thanh nhạc trong giai đoạn này có thể gây căng thẳng cho dây thanh âm và các cơ quan liên quan, ảnh hưởng đến sự phát triển tổng thể của trẻ.
Thứ hai, sau này trẻ sẽ trải qua giai đoạn thay đổi giọng nói khi vào tuổi dậy thì. Giai đoạn này đi kèm với các biến đổi về cấu trúc giọng, âm điệu và khả năng điều chỉnh âm thanh. Việc học thanh nhạc trong giai đoạn này có thể ảnh hưởng đến quá trình thay đổi tự nhiên của giọng nói, gây khó khăn trong việc hình thành giọng điệu và lưu loát trong giao tiếp.
Trẻ nhỏ có thể được khuyến khích tham gia các hoạt động âm nhạc không chuyên nghiệp và không quá áp lực, như hát hò, vận động theo nhạc, hoặc chơi các nhạc cụ đơn giản. Điều này giúp trẻ phát triển niềm đam mê với âm nhạc mà không gây căng thẳng cho dây thanh âm và sự phát triển tổng thể.
Khi trẻ lớn lên và đi qua giai đoạn phát triển quan trọng, như sự phát triển của dây thanh âm và giai đoạn thay đổi giọng nói, trẻ có thể bắt đầu học âm nhạc chuyên sâu, phát triển kỹ năng âm nhạc một cách an toàn và hiệu quả.
Cho trẻ học kiến thức khoa học sớm
Việc phổ biến một số kiến thức đơn giản cho trẻ là bình thường, đặc biệt khi trẻ được phép học những kiến thức khoa học này tại trường. Tuy nhiên, bố mẹ nên cân nhắc trước khi cho trẻ học kiến thức khoa học quá sớm, vì điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và phát triển tự nhiên.
Trẻ con từ khi mới sinh đã có tính tò mò, ham muốn khám phá thế giới xung quanh. Việc ép buộc trẻ vào phòng học và truyền đạt kiến thức theo cách học truyền thống có thể kìm nén khả năng khám phá của trẻ.
Trẻ cần có thời gian và không gian tự do để khám phá và tìm hiểu theo cách của riêng mình. Điều này giúp trẻ phát triển khả năng tư duy sáng tạo, yếu tố quan trọng trong việc hình thành một tư duy linh hoạt và phản xạ.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bố mẹ áp đặt trẻ mẫu giáo học các môn tiểu học sớm có thể gây áp lực và không tạo ra một môi trường học tập tích cực cho trẻ.
Mặc dù có thể trẻ học nhanh hơn so với bạn bè trong một vài khía cạnh, nhưng điều này không đảm bảo rằng trẻ sẽ có niềm đam mê, tư duy sáng tạo liên quan đến các môn học đó.
Điều quan trọng là bố mẹ nên tạo ra một môi trường học tập thoải mái, nơi trẻ có thể tự do khám phá và phát triển theo sở thích của mình. Đồng thời, bố mẹ cần thúc đẩy trẻ tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, tương tác xã hội, để trẻ có cơ hội phát triển những kỹ năng mềm thông qua trải nghiệm thực tế.
Cho trẻ học nhạc cụ
Ngày nay, việc trẻ em biết chơi một loại nhạc cụ trở nên phổ biến, trong đó đàn piano được ưa chuộng nhất. Học đàn piano có thể giúp rèn luyện tính khí và cảm thụ âm nhạc, tuy nhiên, bố mẹ cũng nên cân nhắc trước khi cho con học một nhạc cụ.
Học một nhạc cụ thường bắt đầu bằng việc xem và đọc bản nhạc. Tuy nhiên, các nốt nhạc dày đặc có thể gây cận thị cho trẻ, đặc biệt là đối với trẻ mắt chưa phát triển đầy đủ. Vì vậy, bố mẹ không nên vội vàng cho con học nhạc cụ mà cần chờ đến khi trẻ có đủ khả năng học và tiếp thu.
Học một loại nhạc cụ không phải là một việc dễ dàng mà đòi hỏi sự kiên nhẫn, quyết tâm. Thay vì tự mày mò, tốt nhất bố mẹ nên tìm hiểu ý kiến, hỏi ý kiến của các chuyên gia, và nếu trẻ thấy hứng thú, có thể gửi con đến các lớp đào tạo chuyên nghiệp. Điều này giúp trẻ được hướng dẫn bởi những người có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực âm nhạc.
Bố mẹ cũng cần nhớ rằng việc ép trẻ học nhiều thứ có thể phản tác dụng. Trẻ em cần thời gian và không gian để khám phá, phát triển sở thích của mình.
Thay vì chú trọng vào việc học nhiều môn học cùng lúc, bố mẹ nên tập trung vào việc nuôi dưỡng sở thích và đam mê tự nhiên của trẻ. Khi trẻ tự nguyện và có sự hứng thú, việc học nhạc cụ sẽ trở nên tự nhiên và thú vị hơn, trẻ sẽ có động lực để tiếp thu kiến thức mới.