TP HCM: Học sinh lớp 10 cân nhắc kỹ khi chọn môn học
Sau khi có kết quả tuyển sinh, từ ngày 11/7 đến 1/8, các trường Trung học Phổ thông công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận hồ sơ nhập học của học sinh lớp 10.
Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ngoài các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc (Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất), học sinh lớp 10 sẽ chọn 4 trong số 9 môn (Địa, Giáo dục kinh tế - pháp luật, Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ, Tin, Âm nhạc, Mỹ thuật) để theo học trong suốt 3 năm Trung học Phổ thông. Việc chọn môn học còn liên quan đến định hướng ngành học của các em ở bậc học cao hơn.
Nhiều cách tổ chức lớp
Thực tế, tùy vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, mỗi trường sẽ tổ chức phân lớp và dạy học các môn lựa chọn, cụm chuyên đề khác nhau. Hầu hết các trường chọn cách xây dựng sẵn các tổ hợp gắn liền với các khối xét tuyển vào đại học để học sinh lựa chọn.
Năm học 2023-2024, Trường Trung học Phổ thông Marie Curie (Quận 3) tuyển sinh 30 lớp 10 với 1.200 chỉ tiêu. Theo kế hoạch dạy học, ngoài 8 môn học và hoạt động bắt buộc, năm học tới nhà trường sẽ tổ chức 5 nhóm môn học tự chọn. Cụ thể, ở nhóm Khoa học tự nhiên sẽ có 2 tổ hợp: Lý, Hóa, Sinh, Tin và Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ; nhóm Khoa học xã hội có 3 tổ hợp: Địa, Giáo dục kinh tế - pháp luật, Lý, Công nghệ; Địa, Giáo dục kinh tế - pháp luật, Lý, Tin; Địa, Giáo dục kinh tế - pháp luật, Âm nhạc, Tin. Trong đó, 2 tổ hợp môn thuộc nhóm Khoa học tự nhiên sẽ thực hiện cụm chuyên đề Toán, Lý, Hóa; còn 3 tổ hợp môn thuộc nhóm Khoa học xã hội sẽ thực hiện cụm chuyên đề Văn, Sử, Địa.
Trường Trung học Phổ thông Võ Trường Toản (Quận 12) cũng tổ chức các lớp theo nhóm môn Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và Khoa học tự nhiên - Công nghệ. Cụ thể, ở nhóm môn Khoa học xã hội 1 gồm các môn Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin, Công nghệ (nông nghiệp) và cụm chuyên đề học tập Toán, Văn, Sử; Khoa học xã hội 2 gồm các môn Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin, Công nghệ (công nghiệp) và cụm chuyên đề học tập Toán, Văn, Địa. Nhóm môn Khoa học tự nhiên 1 gồm Lý, Hóa, Sinh, Tin và cụm chuyên đề học tập Toán, Lý, Hóa; Khoa học tự nhiên 2 gồm Lý, Hóa, Sinh, Tin và cụm chuyên đề học tập Toán, Hóa, Sinh. Nhóm môn khoa học tự nhiên - Công nghệ gồm tổ hợp môn Lý, Hóa, Tin, Công nghệ (công nghiệp) và cụm chuyên đề học tập Toán, Lý, Công nghệ (công nghiệp). Riêng hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật, nhà trường chưa thực hiện dạy trong năm học tới.
Năm học 2023-2024, Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1) tuyển 17 lớp 10. Trường tổ chức 7 tổ hợp môn để học sinh lựa chọn, gồm Lý, Hóa, Địa, Tin; Lý, Hóa, Sinh, Tin; Hóa, Sinh, Địa, Tin; Lý, Hóa; Tin; Giáo dục kinh tế - pháp luật; Lý, Hóa, Tin, Công nghệ; Lý, Sinh, Địa, Tin; Lý, Địa, Tin, Công nghệ. Riêng Âm nhạc và Mỹ thuật nhà trường không tổ chức dạy học trong năm học tới do không tuyển được giáo viên.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân cho biết, cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu chọn môn học của học sinh, năm nay nhà trường không phân bổ cố định số lớp học ở từng tổ hợp môn. Dựa trên đăng ký của học sinh trường mới tổ chức các lớp.
Theo kế hoạch, học sinh trúng tuyển vào lớp 10 các trường công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh nộp hồ sơ nhập học từ ngày 11/7-1/8. Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh tới việc học sinh trúng tuyển không được thay đổi nguyện vọng sau khi ông bố kết quả tuyển sinh. Sở cũng lưu ý các trường Trung học Phổ thông không nhận đơn, không hướng dẫn giải quyết việc xin đổi nguyện vọng và chỉ nhận hồ sơ nhập học của thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển vào lớp 10 của đơn vị mình.
Cân nhắc lựa chọn
Có con vừa nhận kết quả trúng tuyển vào Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Huệ (thành phố Thủ Đức), chị Tống Thị Phương đã lên trang web của trường để tìm hiểu về kế hoạch dạy học và tổ chức các môn học của nhà trường. Theo đó, ngoài các môn bắt buộc, nhà trường tổ chức 4 tổ hợp môn tự chọn. Học đều các môn nhưng nổi trội nhất là tiếng Anh cùng với định hướng sẽ xét tuyển vào đại học theo khối D nên con chị sẽ cân nhắc chọn các môn trong tổ hợp có liên quan và phù hợp với khối này.
“Theo thông báo của nhà trường, ngày 18/7 con mới đến trường làm thủ tục nhập học. Còn khá nhiều thời gian nên hai mẹ con sẽ bàn bạc kỹ để chọn môn học phù hợp, tránh phải thay đổi giữa chừng sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của con”, chị Phương chia sẻ .
Còn chị Hoàng Thị Tâm (quận Tân Bình) không mất nhiều thời gian trong việc lựa chọn môn học cùng con. Chị Tâm cho biết, con chị trúng tuyển vào Trường Trung học Phổ thông Marie Curie và đã đăng ký vào lớp Khoa học Tự nhiên 1, với các môn lựa chọn Lý, Hóa, Sinh, Tin học. Việc chọn tổ hợp môn này được cân nhắc dựa trên sở thích, năng lực học tập của con trong suốt thời gian học Trung học Cơ sở. Tuy nhiên, theo chị Tâm, thời điểm này cũng chưa thể khẳng định lựa chọn các môn học này đã là phù hợp nhất hay chưa, bởi ở lứa tuổi này con cũng chưa xác định rõ ràng về định hướng ngành học lên đại học.
Dù đã là năm thứ 2 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở bậc Trung học Phổ thông nhưng việc chọn môn học lựa chọn với nhiều học sinh, phụ huynh vẫn còn có những băn khoăn, bối rối. Vì thế, trong thời gian nhận hồ sơ nhập học, nhiều trường tổ chức giới thiệu chương trình học và tư vấn chọn tổ hợp môn học cho phụ huynh, học sinh. Trong các buổi tư vấn, lãnh đạo các trường đặc biệt lưu ý với phụ huynh và học sinh cân nhắc thật kỹ trong việc chọn lựa các môn tự chọn, tránh thay đổi giữa chừng, sẽ ảnh hưởng đến việc học của các em cũng như vất vả trong việc bổ sung kiến thức.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở bậc Trung học Phổ thông và học sinh lớp 10 cũng được lựa chọn các môn tự chọn ngoài các môn bắt buộc. Thực tế tại một số trường cho thấy, kết thúc năm học này, nhiều trường học sinh có nguyện vọng đổi tổ hợp môn do không phù hợp với năng lực và sở thích cũng như định hướng ngành nghề của các em. Các trường phải tổ chức dạy học bổ sung kiến thức và kiểm tra, giải quyết chuyển lớp cho học sinh nếu đạt yêu cầu.
Từ nhu cầu thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn về việc chuyển đổi môn học lựa chọn, chuyên đề học tập. Theo Bộ, việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào đầu tháng 6, với hơn 95.000 thí sinh dự thi; tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của hơn 100 trường công lập trên địa bàn là khoảng 77.000 học sinh. Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập tại thành phố cao nhất là 25,5 điểm và thấp nhất là 10,5 điểm.