Thí sinh nhận xét đề văn chưa đủ mới và hấp dẫn
Sau 120 phút dự thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh có chung nhận xét "không bất ngờ" với sự xuất hiện của tác phẩm "Đất nước" trong đề thi
Tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), thí sinh Trần Khánh Ngọc cho biết em hài lòng với bài làm của mình. Đề thi phần nghị luận xã hội hay và dễ hiểu, phần đọc hiểu cũng không quá khó.
Thí sinh Nguyễn Khánh Huyền dự thi tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) chia sẻ: Em thấy đề Ngữ văn không quá khó, tuy rằng hơi dài. Việc cảm nhận đoạn trích tác phẩm để rút ra bài học về lối sống cho bản thân là một yêu cầu hay, gần gũi, không quá khó . Khánh Huyền hy vọng sẽ đạt được điểm 7,5 trở lên ở môn thi đầu tiên này.
Em Lại Đức Minh, học sinh Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc Học Huế (Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho rằng, đề thi năm nay không khó. Phần đọc hiểu, thí sinh dễ dàng đạt điểm tuyệt đối, câu trả lời đã có trong phần đoạn trích. Em hy vọng bài thi sẽ đạt được 8 điểm.
Cho rằng đề thi tương đối dễ, thí sinh Đỗ Huỳnh Như Ý tại điểm thi Trường Phổ thông chuyên Quốc Học Huế hy vọng sẽ được 6-7 điểm. Như Ý cho rằng , phần đọc hiểu dễ lấy điểm, riêng câu 4 ở phần này em thấy rất hay. Để làm được câu hỏi: "Từ suy ngẫm của tác giả nếu tách rời giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất", em đã liên hệ vào thực tiễn, rút ra bài học, trong cuộc sống mỗi con người không thể sống riêng lẻ. Trong công việc cũng cần kết nối với tập thể, không tách mình ra khỏi tập thể để hoàn thành công việc được tốt hơn.
Theo thí sinh Nguyễn Thùy Dương (Học viện âm nhạc Huế), đề thi năm nay khá dễ và theo dạng đề mở để học sinh tự do sáng tạo. Phần nghị luận xã hội nói về "việc tôn trọng cá tính" cũng là vấn đề thời sự, rất phù hợp với giới trẻ nên không khó để triển khai. Phần bài văn thì "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng rất quen thuộc, nằm trong vùng trọng tâm ôn tập.
Nhận định về đề thi môn Ngữ văn, một số giáo viên cho rằng, đề thi đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng phù hợp với yêu cầu cho một kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Trong đó, các câu hỏi trong cả hai phần Đọc hiểu và Làm văn đều có cấu trúc, kiểu dạng và mức độ nhận thức quen thuộc, không bất ngờ. Dù đề thi không làm khó thí sinh, song điều này cũng làm cho thí sinh không có nhiều sự hứng thú - yếu tố khá cần thiết trong văn học. Đề có sự phân loại ở mức độ tương đối, không quá cao.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết (thuộc Hệ thống giáo dục Hocmai) phân tích: Ở phần Đọc hiểu, các câu hỏi vừa sức với học sinh, đảm bảo đúng các mức độ nhận thức, có ý nghĩa thực tế với cách sống của các em sau này. Phần Làm văn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội và bài nghị luận văn học. Trong đó, phần nghị luận xã hội ít nhiều có thể tạo bất ngờ và hứng thú khi yêu cầu thí sinh luận bàn về "ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính" - vấn đề tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cá tính và tư duy độc lập lâu nay vẫn thường được đề cao trong các bài giảng hoặc đề tài thảo luận, nhưng thực tế, đó vẫn là sự bức bối của không ít người trong thực tế cuộc sống hàng ngày. Đây là câu hỏi không mới nhưng thiết thực.