Thí điểm thực hiện TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính
Trong năm 2024 , triển khai thí điểm cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính, tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại 01 địa điểm trên cơ sở ứng dụng CNTT.
Ngày 10/5/52024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 210/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với một số bộ, địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ khẩn trương nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ và đồng bộ dữ liệu, thanh toán trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương cũng như khả năng trải nghiệm, tương tác với người dùng.
Đáng chú ý, UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện tài liệu mô hình mẫu về bộ phận một cửa.
Tổ chức triển khai thí điểm trong năm 2024 với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính, tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại 1 địa điểm trên cơ sở ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao tính chuyên nghiệp và đề cao trách nhiệm của bộ phận một cửa trong giám sát, đôn đốc việc giải quyết TTHC tại các bộ, ngành, địa phương.
Cơ quan thường trực Tổ công tác - Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xử lý các phản ánh, kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn gửi Tổ công tác; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý tháo gỡ những vướng mắc, bất cập theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổng hợp những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Tổ trưởng Tổ công tác xem xét chỉ đạo.
Cũng tại Thông báo số 210/TB-VPCP, Phó Thủ tướng yêu cầu, cấu trúc lại quy trình các TTHC, dịch vụ công theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Trong đó, về cải cách việc thực hiện TTHC, các bộ, ngành, địa phương, thực hiện nghiêm việc công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC theo quy định; 100% hồ sơ TTHC phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cấu trúc lại quy trình các TTHC, dịch vụ công theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và đẩy mạnh việc khai thác, tái sử dụng thông tin, dữ liệu số hóa.
Rà soát, nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh đáp ứng việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.