Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 14/12/2020 07:27 (GMT+7)

Quyền tự do kinh doanh: Tiếp cận từ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp Việt Nam

Theo dõi GĐ&PL trên

Quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ và được bảo vệ bằng khuôn khổ pháp lý.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang không ngừng hội nhập thì việc đảm bảo một môi trường kinh doanh thuận lợi là một yếu tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong nước cũng như thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng đối với một môi trường kinh doanh thuận lợi, một nền kinh tế phát triển. Quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ và được bảo vệ bằng khuôn khổ pháp lý.

Quyền tự do kinh doanh: Tiếp cận từ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp Việt Nam - Luật sư Việt Nam Online
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Quyền tự do kinh doanh và hoạt động của các thành phần kinh tế khác ngoài Nhà nước không được khuyến khích trong Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980. Đến Hiến pháp 1992, quyền tự do kinh doanh lần đầu tiên được ghi nhận chính thức tại Điều 57, theo đó “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Hiến pháp 1992. Kế thừa tinh thần đó, điều 33 Hiến pháp 2013 khẳng định người dân có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Việt Nam ghi nhận quyền tự do kinh doanh của công dân. Mặc dù nó còn hạn chế ở phạm vi quyền tự do kinh doanh, các chủ thể chỉ được tự do kinh doanh trong các lĩnh vực mà pháp luật cho phép (tự do trong phạm vi đóng). Quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp 2013 đã có một bước tiến mới, cởi mở với nguyên tắc: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33). Quy định này hàm chứa hai ý quan trọng, đó là: mọi người có quyền tự do kinh doanh; và giới hạn của quyền tự do đó là những gì luật cấm, nói khác đi, muốn cấm cái gì, thì Nhà nước phải quy định bằng luật.

Cụ thể hoá quy định về quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp 2013, Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật đầu tư 2014 khẳng định “doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” và “Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”. 

Tiếp thu tinh thần của Hiến pháp 2013 và Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục khẳng định Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Việc tự do kinh doanh này được thể hiện qua việc họ có toàn quyền tự chủ trong việc kinh doanh, toàn quyền lực chọn về hình thức cũng như ngành, nghề liên quan và cả những vấn đề khác liên quan như địa bàn, quy mô kinh doanh.

Nội dung quyền tự do kinh doanh tiếp cận dưới góc độ của pháp luật về doanh nghiệp của Việt Nam

Cũng như các quyền khác, quyền tự do kinh doanh có nội dung rất cụ thể. Nội dung của quyền này không bất biến mà luôn có sự bổ sung theo hướng ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn do sự hoàn thiện không ngừng của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta. Tuy nhiên, nội dung quyền tự do kinh doanh cơ bản bao gồm: (1) quyền tự do thành lập doanh nghiệp, (2) quyền tự do lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh (đối tượng kinh doanh), (3) quyền tự do giao kết hợp đồng, (4) quyền tự do quyết định các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, (5) quyền tự do cạnh tranh.

Quyền tự do thành lập doanh nghiệp.

Quyền tự do thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh là nội dung cơ bản của quyền tự do kinh doanh, là tiền đề thực hiện các quyền khác thuộc nội dung của quyền tự do kinh doanh. Các hoạt động kinh doanh chỉ có thể được tiến hành khi các chủ thể kinh doanh xác lập tư cách pháp lý. Với quyền tự do thành lập doanh nghiệp, các nhà đầu tư có khả năng quyết định lựa chọn mô hình kinh doanh và linh vực, ngành nghề kinh doanh thích hợp để tiến hành hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao.

Khoản 1, Điều 17, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam trừ bảy trường hợp được quy định tại Khoản 2, Điều 17. Theo đó, các đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp bao gồm:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.”

Điều 17, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung các nhóm đối tượng sau đây không được thành lập và quản lý doanh nghiệp: công nhân công an; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang bị tạm giam; tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Về cơ bản, việc bổ sung các nhóm đối tượng trên vào diện không được thành lập và quản lý doanh nghiệp là để tương thích với các liên quan như Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Dù vậy, để xác định các nhóm đối tượng trên thì cần phải có căn cứ theo quy định của pháp luật, chẳng hạn như người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có quyết định tuyên bố của Tòa án; pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh thì cũng phải thuộc trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội và có bản án có hiệu lực của Tòa án.

Quy định về quyền tự do thành lập doanh nghiệp tại Điều 17, Luật Doanh nghiệp 2020 đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho những đối tượng có quyền thành lập và góp vốn vào doanh nghiệp nhằm huy động tối đa mọi nguồn vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh với nhiều loại ngành nghề kinh doanh, nhiều mô hình tổ chức kinh doanh để các nhà đầu tư lựa chọn.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định đa dạng các phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để các chủ thể có thể lựa chọn. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh, hiện nay, khi đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ theo một trong hai phương thức là nộp trực tiếp và nộp qua mạng thông tin điện tử. Trên thực tế, tại nhiều địa phương, một số cơ quan đăng ký kinh doanh cũng đã thực hiện việc trả kết quả qua bưu điện. Theo Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, Luật chính thức ghi nhận các phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh, gồm: đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh; đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Việc ghi nhận đa dạng các phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là sự tiến bộ đáng ghi nhận, là tiền đề thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp khi Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực, hướng đến sự thuận lợi về khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Quyền tự do lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.

Quyền tự do lựa chọn ngành nghề, linh vực kinh doanh được hiểu là việc cá nhân, tổ chức được quyền tự mình lựa chọn những ngành nghề mà mình muốn kinh doanh trong pháp vi ngành ngề mà pháp luật không, đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì việc kinh doanh được thực hiện sau khi đáp ứng đủ các điều kiện của ngành nghề đó.

Thứ nhất, về việc tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm. Khoản 1, Điều 7, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp có quyền “tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” và trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hiện nay không cần phải ghi ngành nghề kinh doanh. Như vậy, ngoài danh mục ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định của Pháp luật thì doanh nghiệp có thể lựa chọn bất cứ ngành nghề kinh doanh nào để kinh doanh mà không cần có sự cho phép của cơ quan đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, các danh mục ngành nghề bị cấm kinh doanh hiện nay cũng đã ít hơn rất nhiều so với giai đoạn trước kia. Luật Đầu tư 2020 đưa ra danh mục cấm đầu tư kinh doanh gồm có 08 ngành nghề, nhiều hơn Luật Đầu tư 2014 (06 ngành nghề) nhưng lại ít hơn Luật Đầu tư 2005 (12 ngành nghề).

Thứ hai, về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh các ngành nghề đó phải đáp ứng các điều kiện nhất định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng. Các chủ thể kinh doanh sẽ được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh. Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng dưới hình thức giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, chửng chỉ hành nghề, các văn bản và điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

Quyền tự do hợp đồng.

Khi tham gia vào hoạt động kinh doanh, các chủ thể có quyền tự do lựa chọn đối tượng khách hàng để giao kết hợp đồng, tự do đàm phán, ký kết và thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng, tự do thoả thuận để thay đổi, đình chỉ hay huỷ bỏ thực hiện hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng, mọi sự can thiệp về mặt ý chí đối với các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng đều bị coi là bất hợp pháp và hợp đồng bị xem là vô hiệu. Tuy nhiên, sự tự do ý chí của các bên chủ thể của các bên khi giao kết hợp đồng “không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Tức là sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng không được trái với điều cấm của pháp luật và những chuânt mực đã được xã hội thừa nhận rộng rãi.

Quyền tự quyết định các vấn đề phát sinh trong linh vực sản xuất, kinh doanh.

Khi tham gia vào hoạt động kinh doanh, chủ thể kinh doanh được quyền tự do lựa chọn mô hình kinh doanh cho mình từ việc quyết định về vốn đầu tư, chỉ cần mức vốn đó đáp ứng quy định về vốn pháp định tối thiểu nếu là kinh doanh một số ngành nghề đặc thù theo quy định. Bên cạnh đó, có thể quyết định điều chỉnh quy mô kinh doanh của mình thông qua việc huy động vốn.

Bên cạnh đó, các chủ thể kinh doanh được quyền tự lựa chọn loại hình tổ chức kinh tế để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, chỉ cần đảm bảo các quy định về loại hình đó như hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh hoặc trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Các chủ thể kinh doanh có quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức huy động vốn thông qua việc chủ đầu tư quyết dịnh việc tăng vốn vay hay tăng vốn điều lệ; cách thức tăng vốn vay thông qua hợp đồng hay thông qua việc phát hành trái phiếu.

Việc tự do quyết định các vấn đề phát sinh trong linh vực sản xuất kinh doanh cũng được thể hiện qua việc các chủ thể được tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh. Dưới tác động của quy luật cạnh tranh và sự tự do hoá các hoạt động kinh tế, các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh là không tránh khỏi và pháp luật cho phép các chủ thể được tự do thoả thuận lựa chọn phương thực giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hoà giải, trọng tài thương mại hoặc giải quyết tranh chấp thông qua toà án.

Quyền tự do cạnh tranh lành mạnh.

Nền kinh tế Việt Nam với mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó chúng ta phải buộc tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường mà trong đó quy luật cạnh tranh là một thành tố không thể tách rời. Nội dung bảo đảm quyền tự do cạnh tranh chính là việc đảm bảo các điều kiện để canh tranh diễn ra lành mạnh và kiểm soát việc chống độc quyền trong kinh doanh. Các chủ thể kinh doanh được pháp luật bảo vệ nếu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Đánh giá các quy định của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam về đảm bảo quyền tự do kinh doanh

Đánh giá mức độ hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về đảm bảo quyền tự do kinh doanh.

Thông qua các quy định của Luật Công ty 1990, Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2014 cho đến Luật Doanh nghiệp 2020, có thể thấy các quy định về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đang ngày càng được mở rộng, tạo bước nhảy vọt cho sự phát triển của nền kinh tế. Điều này, không chỉ được minh chứng cụ thể qua hệ thống, hành lang pháp lý mà còn hiện thực hóa ở môi trường kinh doanh của Việt Nam, khi được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Mặc dù đã có những bước tiến như trên nhưng trong thực tế triển khai thì việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp lại gặp phải một số cản trở sau:

Thứ nhất, Việc quy định các ngành nghề có điều kiện chưa chuẩn có thể ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Luật Đầu tư năm 2020 đã giảm xuống còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng con số đó là quá lớn và quá nhiều trong một nền kinh tế bình thường. Con số 243 chỉ thuần túy là thống kê, chưa có sự đánh giá tổng hợp, thậm chí mang tính áp đặt, không có cơ sở thực tiễn, khoa học, hạn chế cạnh tranh, tính sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm, khả năng cung cấp sản phẩm tốt hơn.

Thứ hai, các chủ thể dù có quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, nhưng do luật ở Việt Nam còn phức tạp, nhiều quy định chồng chéo ở các luật chuyên ngành, nên thực tế doanh nghiệp cũng không dám tự do thực hiện quyền của mình, với lo ngại là có thể ở đâu đó có quy định cấm, hoặc hạn chế quyền này. Có tình trạng là trong khi Luật Doanh nghiệp “mở”, thì các Luật chuyên ngành lại “đóng”, hoặc các luật của Quốc hội, văn bản của Chính phủ thì quy định thông thoáng nhưng văn bản của các cơ quan quản lý lại “siết chặt” bằng những loại giấy phép “con” hay bằng những thủ tục phiền hà không đáng có.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của luật Doanh nghiệp Việt Nam về quyền tự do kinh doanh.

Để quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được đảm bảo và thực thi tốt hơn cần phải thực hiện một số giải pháp sau;

Thứ nhất, phải nâng cao quyền tự do kinh doanh thông qua việc quy định logic hệ thống pháp luật giữa luật chung và luật luật chuyên ngành hoàn toàn biện chứng với nhau. Trong trường hợp cần thiết có thể xây dựng quy trình riêng, đặc thù với một số ngành nghề nhưng phải đảm bảo là không được trái luật chung.

Thứ hai, phải tiếp tục tháo dỡ các rào cản từ khung pháp lý đến thể chế. Chính phủ, các bộ, ban ngành cần quyết liệt hơn cho “khai tử” hệ thống giấy phép con, giảm mệnh lệnh hành chính ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Những thủ tục xác nhận ngành nghề kinh doanh, buộc doanh nghiệp phải thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh, hay buộc doanh nghiệp ghi ngành nghề kinh doanh trong điều lệ doanh nghiệp nên xem xét bỏ để đảm bảo quyền tự do kinh doanh đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Thứ ba, tăng cường hoạt động tuyên truyền pháp luật cho các chủ thể kinh doanh về quyền tự do kinh doanh để họ có thể nắm bắt đầy đủ các quyền năng của mình mà pháp luật đã quy định, bảo vệ, cho phép thực hiện. Sự nắm bắt của các chủ thể kinh doanh có ý nghĩa rất lớn là tạo điều kiện cho các chủ thể thuận lợi trong tuân thủ pháp luật khi kinh doanh, tránh các rủi ro pháp lý. Điều đó sẽ thúc đẩy doanh nghiệp pháp triển góp phần vào xây dựng kinh tế đất nước.

Đặc biệt, điều quan trọng là cần phải đổi mới tư duy vì với Luật mới thì cách thức quản lý phải hoàn toàn thay đổi. Đó là phải quản lý theo nhu cầu của doanh nghiệp, chứ không phải quản lý theo sự áp đặt của cơ quan quản lý nhà nước.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.