Phó Giám đốc CDC Hà Nội: 'Thành phố có thể phải giãn cách xã hội thêm ít nhất một tuần nữa'
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, có thể thành phố sẽ phải giãn cách thêm ít nhất một tuần nữa do ca nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Hà Nội vẫn đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Thành phố (dựa trên nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ).
Dù đã sắp hết thời gian giãn cách nhưng trong những ngày qua, số ca mắc tại Hà Nội vẫn ở mức trung bình từ 60-80 ca mắc mới, có ngày cao điểm trên 100 ca dương tính.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đánh giá, số lượng ca mắc Covid-19 tại Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
“Ca bệnh giảm chỗ này nhưng lại lộ ở nơi khác, giảm không bền vững. Theo tôi đánh giá, Hà Nội có thể phải giãn cách thêm ít nhất 1 tuần. Vấn đề này sẽ được lãnh đạo thành phố họp thống nhất, đưa ra quyết định. Phải cách ly xã hội thêm chứ không thể trước ngày 2/9 được bởi vẫn còn ca nhiễm lẩn khuất trong cộng đồng", ông Tuấn thông tin thêm.
Từ ngày 18/8 đến 20/8, Hà Nội đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2. Thành phố quyết tâm bóc tách hết F0 tại các vùng đỏ, nguy cơ cao, khu vực trọng điểm. Thành phố tập trung 13 nhóm nguy cơ cao đều kinh doanh dịch vụ và tiếp xúc nhiều người.
CDC Hà Nội sáng 20/8 cho biết, Thành phố đang tiếp tục thực hiện lấy gần 1 triệu mẫu xét nghiệm trong đợt 2, thời gian theo kế hoạch hết ngày 20/8 phải lấy xong.
Tính đến 19h ngày 18/8, thành phố đã lấy được 139.010 mẫu (6.762 mẫu ở khu vực phong tỏa, 56.340 mẫu ở khu vực nguy cơ và 75.908 mẫu là người nguy cơ).
13 nhóm người nguy cơ cao được lấy mẫu gồm: người giao hàng (shipper); người bán hàng tại các chợ truyền thống; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).
Đơn cử như trong vài ngày qua, tại Hà Nội cũng đã ghi nhận nhiều nhân viên công ty giao hàng, nhân viên siêu thị, công nhân xây dựng.... dương tính SARS-CoV-2.
Trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Bệnh viện Medlatec nhận định, tình hình dịch ở Hà Nội đã có chiều hướng giảm khi trong 2 tuần vừa qua, những ngày gần đây, số lượng ca mắc bắt đầu giảm.
"Hà Nội xét nghiệm nhiều, nhưng số lượng F0 giảm xuống. Điều này chứng tỏ dịch đang có xu hướng đi xuống, tuy nhiên chưa thực sự bền vững. Do đó, thành phố phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay", GS.TS Nguyễn Anh Trí chobiết.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết Hà Nội không thể đưa số ca bệnh về không ngay lập tức, nhưng đã hạn chế, cắt đứt được nguồn lây.
Tuy nhiên ông cho biết, nguy cơ của Hà Nội vẫn rất cao. Thông qua sàng lọc cho thấy vẫn có các F0 lẩn khuất trong cộng đồng. Chính vì vậy, việc giãn cách, thực hiện nghiêm 5K là biện pháp vô cùng quan trọng để cắt đứt nguồn lây.
PGS.TS Trần Đắc Phu kiến nghị thành phố nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng có chỉ định, tập trung các đối tượng, địa bàn nguy cơ. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, xét nghiệm chỉ là thời điểm hiện tại, còn khi mở cửa, di biến động ra vào Hà Nội tăng thì vẫn có khả năng bùng dịch.
“Vì vậy cần triển khai mạnh mẽ hơn việc giãn cách, thông điệp 5K, quét mã QR ở các cơ quan, đơn vị, siêu thị, điểm công cộng kết hợp với đẩy mạnh tiêm vaccine và nên tiêm cả đối tượng người già, người có bệnh nền", PGS.TS Trần Đắc Phu thông tin.