Những quy định được bổ sung tại Luật Căn cước 2023
Luật Căn cước 2023 đã bổ sung các quy định cấp căn cước điện tử; quy định về thu thập thông tin sinh trắc học; về việc tích hợp thông tin vào Thẻ Căn cước.
Khoản 1, Điều 22, Luật Căn cước quy định thông tin được tích hợp vào Thẻ Căn cước gồm thông tin Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội, Giấy phép lái xe, Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn... Những điều này là cần thiết nhằm giảm bớt giấy tờ, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước, bỏ quê quán và vân tay trên thẻ, mở rộng đối tượng được cấp thẻ, bổ sung quy định cấp căn cước điện tử… là những điểm mới rất quan trọng tại Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7 tới.
Về căn cứ pháp lý đối với việc đổi tên từ Căn cước công dân thành Căn cước, điều này thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch…
Quy định tên gọi là Thẻ Căn cước cũng không tác động đến địa vị pháp lý về quốc tịch của công dân. Việc đổi tên thành Thẻ Căn cước còn để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung Luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng Thẻ Căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia.
Đặc biệt, việc đổi tên thẻ không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách Nhà nước do tại Điều 46, Luật Căn cước đã có quy định chuyển tiếp “các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan Nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp”…
Về lý do bỏ quê quán (thay vào đó là nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi sinh) và vân tay trên Thẻ Căn cước, luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, điều này là hoàn toàn cần thiết nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng Thẻ Căn cước, bảo đảm tính riêng tư của người dân. Đồng thời, các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên Thẻ Căn cước. Ngoài ra, việc chỉnh lý thông tin “nơi thường trú” in trên Thẻ Căn cước công dân thành “nơi cư trú” in trên Thẻ Căn cước còn để phù hợp với thực tiễn, bởi hiện nay nhiều người chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú. Với quy định này thì đối với tất cả người dân Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp Thẻ Căn cước. Bên cạnh đó, còn được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu.
Ngoài các nội dung trên, Luật Căn cước 2023 đã mở rộng đối tượng được cấp Thẻ Căn cước bao gồm cả công dân Việt Nam dưới 14 tuổi muốn được cấp Thẻ Căn cước theo nhu cầu; công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đặc biệt, Luật còn bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Theo đó, Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã. Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Về lý do bổ sung quy định này, ở nước ta có một bộ phận không nhỏ người gốc Việt Nam đang sinh sống, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà họ và các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương đều không có thông tin hoặc bất cứ giấy tờ nào chứng minh về nhân thân, lai lịch.
Những người này đều không đủ điều kiện được cấp thẻ thường trú, tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; không thể thực hiện khám chữa bệnh, ký hợp đồng lao động, nhập học hoặc tham gia giao dịch dân sự cần chứng minh thông tin nhân thân… Để giải quyết tình trạng này, việc cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam là cần thiết và phù hợp, không trái với quy định hiện hành.
Không chỉ có vậy, Luật Căn cước 2023 đã bổ sung các quy định cấp căn cước điện tử; quy định về thu thập thông tin sinh trắc học; về việc tích hợp thông tin vào Thẻ Căn cước. Khoản 1, Điều 22, Luật Căn cước quy định thông tin được tích hợp vào Thẻ Căn cước gồm thông tin Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội, Giấy phép lái xe, Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn... Những điều này là cần thiết nhằm giảm bớt giấy tờ, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.