Những hành vi bị cấm nhằm đảm bảo an toàn giao thông
Bộ Công an đang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó Bộ có đề xuất quy định về những hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến trật tự an toàn giao thông.
Cụ thể, theo Điều 8, dự thảo Luật Trật tự, an toàn Giao thông đường bộ quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
- Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
- Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng;
- Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;
- Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép; điều khiển phương tiện giao thông lạng lách, đánh võng, rú ga liên tục;
- Dùng tay sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ;
- Chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế, quá kích thước giới hạn cho phép của xe; chở quá số người quy định; chở hàng hóa trên xe có quy định phải chằng buộc nhưng không chằng buộc hoặc chằng buộc không đúng quy định;
- Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ;
- Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ;
- Tự ý cắt, hàn, tẩy xóa, đục lại số khung, số máy, thay đổi màu sơn, cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng;
- Lắp đặt, sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trên xe cơ giới, xe máy chuyên dùng gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ; điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng gắn biển số giả, gắn biển số không đúng vị trí, gắn biển số bị bẻ cong, bị che, lấp; làm thay đổi chữ, số, màu của biển số;
- Khai báo không đúng hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe;
- Sản xuất, sử dụng, mua, bán trái phép biển số xe;
- Kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe, dịch vụ sát hạch lái xe không đủ điều kiện theo quy định;
- Khai báo không đúng hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe;
- Đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; rải đinh, vật sắc nhọn khác; đổ dầu nhờn, chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây, vật cản khác trên đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông;
- Ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
- Khai báo gian dối hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đúng sự thật để trốn tránh trách nhiệm khi phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông;
- Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định tại một trong các điều từ Điều 9 đến Điều 32 Luật này và hành vi khác do luật định có liên quan trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Ngoài ra, cũng tại Điều 11, dự thảo Luật, Bộ Công an cũng đã đề xuất thêm 11 trường hợp phải giảm tốc độ giữa các xe. Cụ thể, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước cùng làn đường hoặc phần đường.
Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải điều khiển xe chạy với tốc độ phù hợp điều kiện của cầu, đường, mật độ giao thông, địa hình, thời tiết và các yếu tố ảnh hưởng khác để bảo đảm an toàn.
Các trường hợp phải giảm tốc độ bao gồm:
- Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường;
- Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế;
- Đi qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường hẹp, vòng, quanh co, đèo, dốc;
- Đi qua cầu, cống hẹp, đập tràn, đường ngầm, hầm chui, khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc;
- Đi qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung đông người, khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường, khu vực đang thi công trên đường bộ, hiện trường vụ tai nạn giao thông;
- Có vật nuôi đi trên đường hoặc chăn thả ở sát đường;
- Tránh xe đi ngược chiều hoặc khi cho xe đi phía sau vượt; khi có tín hiệu xin đường, tín hiệu khẩn cấp của xe đi phía trước;
- Đến gần bến xe buýt, điểm dừng đỗ xe có khách đang lên, xuống xe;
- Gặp xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ; xe chở hàng siêu trường, siêu trọng, hàng nguy hiểm; đoàn người đi bộ;
- Trời mưa, sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, vật liệu rơi vãi;
- Khi điều khiển phương tiện đi qua khu vực đang tổ chức kiểm soát giao thông.