Ngôi chùa đứng vững giữa dòng sông dài nhất Trung Quốc, bất chấp đại hồng thủy suốt 700 năm
Kiến trúc độc đáo của Quan Âm Các giúp cho ngôi chùa chưa từng bị hư hại nặng dù đối mặt với những trận lũ lụt khủng khiếp nhất.
Quan Âm Các
Xuyên suốt chiều dài nghìn năm lịch sử, các công trình kiến trúc cổ đại đã trở thành một niềm tự hào và thành tựu vẻ vang của người Trung Quốc. Nhiều công trình kiến trúc kỳ diệu đã tồn tại cho đến ngày nay mà vẫn giữ được dáng vẻ nguyên sơ như thuở ban đầu.
Một trong những công trình vững chãi, đáng nể nhất tại đất nước tỷ dân được tìm thấy ngay trên con sông Trường Giang - con sông dài nhất Trung Quốc. Đó chính là Quan Âm Các (hay còn gọi là đền Long Bàn) - ngôi chùa tọa lạc giữa đoạn sông Trường Giang (còn có cái tên khác là sông Dương Tử) chảy qua thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc suốt 700 năm qua.
Theo ghi chép tại Bảo tàng Ngạc Châu, tiền thân của Quan Âm Các là một ngôi chùa thờ Bồ Tát giữa lòng sông Trường Giang nhưng sớm bị cuốn trôi bởi những trận lũ lụt chảy xiết. Sau đó, vào thời nhà Nguyên khoảng năm 1345, ngôi chùa này được xây dựng lại và tu sửa, chính thức lấy tên là Quan Âm Các. Đây cũng là ngôi chùa duy nhất được xây dựng trên con sông dài gần 6.300 km.
Không ít người tự hỏi làm thế nào để có thể xây dựng được một công trình giữa dòng nước chảy xiết? Quan Âm Các được dựng lên trên nền móng của một khối đá giữa lòng sông có tên là bãi đá Long Bàn.
Ngôi chùa này cao hai tầng, tổng diện tích khoảng 300m2 với chiều dài 24m, chiều rộng 10m và chiều cao 14m. Từ kết cấu cân đối, kiến trúc tinh tế đến hành lang uốn khúc và kiểu dáng mái hiên đôi đều là những nét đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc dân gian Giang Nam, là sự tích hợp của tam giáo - Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo.
Không chỉ nổi tiếng vì kiến trúc độc đáo, Quan Âm Các còn khiến cho mọi người phải trầm trồ vì cứ vào mỗi mùa lũ, ngôi chùa này bỗng có hình dáng như một con rồng phun nước đứng vững giữa lòng sông. Đã 700 năm trôi qua với vô số trận đại hồng thủy khủng khiếp, Quan Âm Các chưa từng bị hư hại nặng.
Bí ẩn trong lối kiến trúc cổ
Đặc biệt phải kể đến trận đại hồng thủy năm 1998 hay năm 1954 trên sông Trường Giang, khoảng 30.000 người đã thiệt mạng. Kinh khủng hơn còn có những trận ngập lụt kỷ lục diễn ra năm 1911 đã lấy đi tính mạng của khoảng 100.000 người.
Dù mưa lũ đã cuốn đi vô số nhà cửa và cây cối hai bên dòng sông thì Quan Âm Các vẫn trụ vững. "Đây không phải là lần đầu tiên Quan Âm Các trải qua trận lụt lớn", Giám đốc Bảo tàng Ngạc Châu - Tần Song Lâm khẳng định trong trận lũ nghiêm trọng năm 2020.
Vào ngày 14/7/2020, mực nước sông Trường Giang dâng cao khiến Quan Âm Các đã bị ngập đến tầng hai, chỉ lộ ra bức tường trắng ngói xanh.
Vì được xây theo thế rồng cuộn nên khi nước lũ dâng cao, di tích này nhìn giống như một con rồng hung mãnh đang phun nước. Đó là minh chứng cho kỹ thuật xây dựng của người xưa dù hoàn toàn không có các máy móc thiết bị công nghệ hiện đại.
Vậy bí mật của ngôi chùa này nằm ở đâu?
Đó chính là khối đá Long Bàn và cấu trúc xây dựng của bức tường bao quanh ngôi chùa. Đá Long Bàn này giống như một tảng đá hình vòng cung của bên mạn con tàu, không chỉ giúp điều tiết dòng chảy mà còn làm giảm lực nước. Bức tường đá phía ngoài của Quan Âm Các cũng được xây một cách tinh giản, toàn bộ đều có hình tam giác.
Khi nước lũ ập đến, bức tường phía ngoài này sẽ ghìm lại trọng lực của dòng nước cuồn cuộn, giữ cho phía sau bức tường chịu một trọng lực nhỏ hơn rất nhiều. Chính vì vậy mà Quan Âm Các vẫn luôn sừng sững dù phải trải qua mưa gió suốt 700 năm.
Hiện nay Quan Âm Các đã được đưa vào danh sách đơn vị bảo vệ di tích văn hóa trọng điểm quốc gia và không mở cửa cho du khách tham quan. Tuy nhiên điều đó không thể ngăn cản người dân bơi đến đây để khám phá lối kiến trúc độc đáo này.
Cùng chiêm ngưỡng một số hình ảnh của ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc – Quan Âm Các: