Mạo danh phóng viên, cộng tác viên báo chí để lừa chiếm đoạt tiền
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, nếu gặp trường hợp lừa đảo tương tự cần báo ngay cho cơ quan chức năng, cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên mới đây đã khởi tố 08 đối tượng về tội "Cưỡng đoạt tài sản" với thủ đoạn mạo danh cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí nhằm đe dọa người khác chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, sau khi làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí, các đối tượng đã dùng danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh… thu thập thông tin. Khi tìm ra sơ hở, thiếu sót của cơ sở kinh doanh, các đối tượng gây sức ép, gợi ý để các cơ sở biết rõ hoặc ngầm hiểu nếu không đưa tiền cho các đối tượng thì sẽ bị báo đến chính quyền địa phương và bị phản ánh lên báo. Do lo sợ ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, sản xuất nên các cơ sở đã đưa tiền cho các đối tượng.
Cục An toàn thông tin khuyến nghị, hiện nay tình trạng làm giả giấy tờ, chứng chỉ, hồ sơ đang tràn lan trên mạng xã hội và được sử dụng vào những mục đích phi pháp. Vì thế, người dân cần nâng cao cảnh giác, nếu gặp trường hợp lừa đảo tương tự cần báo ngay cho cơ quan chức năng, cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, các đối tượng lừa đảo hiện này còn sử dụng nhiều phương thức tinh vi nhằm mạo danh các Luật sư, Tổ chức Hành nghề Luật sư, mạo danh Công an, Kiểm sát viên, các cán bộ trong cơ quan tư pháp. Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng công nghệ cao, sim rác, số điện thoại đã đăng ký chính chủ người khác, thậm chí còn dùng số máy bàn gần giống với số liên hệ của các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để gọi điện cho nạn nhân.
Các đối tượng này thông báo rằng nạn nhân đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà các cơ quan này đang giải quyết. Yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ khuyên can, động viên, thậm chí đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản đã chuẩn bị trước đó với mục đích để xác minh, điều tra, giải quyết. Hình thức này trở nên tinh vi hơn khi đối tượng tự may quân, trang phục ngành giả, số hiệu giả, dụng công nghệ AI để sẵn sàng gọi video với nạn nhân nhằm tạo sự tin tưởng.
Trường hợp khác, đối tượng yêu cầu nạn nhân không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, với mục đích để nạn nhân không đủ thời gian kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan có thẩm quyền được biết. Mặc dù, nhiều nạn nhân không vi phạm pháp luật, nhưng trước những lời đe dọa của đối tượng khiến bất an, sợ hãi, lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết đâu là thật - giả, không chỉ dừng lại ở việc lừa tiền của nạn nhân, đối tượng còn sử dụng thủ đoạn thao túng tâm lý các nạn nhân, nhằm khiến nạn nhân phải thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo, trái đạo đức và pháp luật.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này, ngoài lòng tham về vật chất, tinh thần của đối tượng thì cũng do sự thiếu hiểu biết của người dân, và sự buông lòng của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tuyên truyền, phổ biến, cách phòng tránh, nhận biết thật giả chưa nhanh chóng, kịp thời. Trước tình trạng tội phạm lừa đảo diễn biến phức tạp trên Internet, sử dụng công nghệ cao, mạo danh, giả danh Luật sư, Công an, Kiểm sát viên, Nhà báo… như hiện nay, người dân cần nâng cao nhận thức và cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi này.
Để tránh bị rơi vào các bẫy lừa đảo qua mạng khi đi tìm kiếm dịch vụ pháp lý do Luật sư và Tổ chức Hành nghề Luật sư trên internet và mạng xã hội, người dân cần tìm website chính thống của các Tổ chức Hành nghề Luật sư, tra cứu danh bạ Luật sư trên website Đoàn Luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khi có số điện thoại của Luật sư và Tổ chức Hành nghề Luật sư cần liên hệ xác thực để được cung cấp đầy đủ thông tin. Nếu có điều kiện đi lại thì nên đến trực tiếp nơi làm việc của Tổ chức Hành nghề Luật sư để tư vấn và chỉ chuyển phí thù lao Luật sư trên cơ sở hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký. Đồng thời, không được chuyển khoản ngay lập tức cho các đối tượng lạ khi chưa có thông tin cụ thể. Và nếu có chuyển tiền cho nạn nhân rồi thì rất khó để lấy lại, vì không xác định được đối tượng là ai, ở đâu, làm gì, vì mọi thông tin đối tượng đều ẩn danh, hoặc giả mạo.
Trường hợp ở xa không có điều kiện đến gặp tư vấn trực tiếp thì có thể nhờ người quen, bạn bè ở khu vực đó kiểm tra thông tin về Tổ chức Hành nghề Luật sư đang tìm kiếm để có thông tin đầy đủ, chính xác nhất. Đối với trường hợp đã bị lừa đảo thì cần nhanh chóng làm đơn trình báo, tố giác đối tượng tới tới cơ quan Công an gần nhất.
Đồng thời, Luật sư cũng cho hay, cơ quan Công an, Viện Kiểm sát,… khi làm việc với các cá nhân, tổ chức sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan Công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Các tổ chức, cá nhân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là Luật sư, Công an, Kiểm sát viên, Nhà báo,…để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan… yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.
Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ cư trú, tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân… cho bất kỳ đối tượng lạ. Khi gặp tin nhắn thông qua trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài… thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.
Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật riêng tư trên tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội. Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng, thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn.
Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, cần có các biện pháp quản lý, ngăn chặn các thông tin giả mạo, sai sự thật được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội và thông tin, cảnh báo rộng rãi tới người dân để biết phòng tránh. Bên cạnh đó, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an cũng cần có các biện pháp xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các đối tượng mạo danh Luật sư, Công an, Kiểm sát viên, Nhà báo… và các cá nhân, tổ chức khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.