Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 23/05/2024 14:57 (GMT+7)

Khi cổ tức từ cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm

Theo dõi GĐ&PL trên

Một số ngân hàng chi trả cổ tức bằng tiền mặt đang có lợi suất cổ tức cao hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm.

Liên tiếp trong tuần này, ba ngân hàng Techcombank, VPBank và MB đã chốt danh sách hưởng quyền nhận cổ tức, mở đầu cho những "cơn mưa" cổ tức tiền mặt cho các cổ đông ngân hàng trong năm nay. Theo đó, Techcombank sẽ dùng 5.283 tỷ đồng để chi trả cổ tức. Cổ đông của Techcombank sẽ nhận cổ tức 15% bằng tiền mặt và 100% bằng cổ phiếu. Cổ đông MB sẽ nhận về 5% cổ tức tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Tổng số tiền MB dùng để chi trả cổ tức là 2.653 tỷ đồng. Các cổ đông sẽ được nhận 500 đồng cho mỗi cổ phiếu.

Riêng VPBank sẽ chi trả toàn bộ cổ tức năm nay bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng với 1.000 đồng cho mỗi cổ phiếu. Tổng số tiền VPBank dùng để chi trả cổ tức là 7.934 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 ngân hàng này thực hiện chia cổ tức hoàn toàn bằng tiền mặt, với tỷ lệ 10%.

anh-2-1-1716450760.jpg

Sau 3 ngân hàng kể trên, một loạt những ngân hàng khác gồm VIB, ACB, Eximbank, SHB, MSB, HDBank và TPBank cũng đã có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ thấp nhất là 3% (Eximbank) và cao nhất là 12,5% (VIB). Trong nhiều năm qua, chia cổ tức bằng tiền mặt không phải là ưu tiên của các ngân hàng. Nhưng trong hai năm trở lại đây, số lượng các ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt đã tăng lên. Có thể cho rằng, những ngân hàng nào được phép và có khả năng trả cổ tức tiền mặt là những ngân hàng có nền tảng vững vàng, đồng thời sẽ mang lại mức sinh lời đầu tư hấp dẫn cho cổ đông của ngân hàng đó.

Theo ông Trần Thái Bình, chuyên gia phân tích về ngành tài chính – ngân hàng tại Công ty Chứng khoán VPBankS, việc các ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt khiến cổ phiếu ngân hàng, thường hay được gọi là cổ phiếu “vua”, trở lên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Trả cổ tức bằng tiền mặt mang lại sự chắc chắn hơn cho các nhà đầu tư về khả năng sinh lời trên đồng vốn họ bỏ ra. Trong khi đó, trả cổ tức bằng cổ phiếu thường khiến các nhà đầu tư e ngại về sự pha loãng cổ phiếu, làm giảm giá trị cổ phiếu họ đang nắm giữ.

“Cổ tức của một số cổ phiếu ngân hàng đang có mức lợi suất rất cao, tương đương hoặc thậm chí còn cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm ở nhiều ngân hàng lớn,” ông Bình nhận xét.

Lợi suất cổ tức là tỷ lệ phần trăm cổ tức trên mỗi cổ phiếu tương ứng với giá cổ phiếu đó. Lợi suất cổ tức cho thấy nhà đầu tư kiếm được bao nhiêu từ cổ tức so với mức giá họ phải chi trả để sở hữu cổ phiếu đó.

Trong ba ngân hàng chốt danh sách cổ đông trả cổ tức tuần này, các cổ phiếu TCB của Techcombank và MBB của MB có lợi suất cổ tức lần lượt là 3,0% và 2,2%. Lợi suất cổ tức cao nhất thuộc về cổ phiếu VPB của VPBank. Với mức giá đóng cửa ngày 21/5/2024 là 19.800 đồng/cổ phiếu, và mức cổ tức nhận về trên mỗi cổ phiếu là 1.000 đồng, cổ phiếu VPB có mức lợi suất là 5,3%. Mức lợi suất này tương đương với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của nhiều ngân hàng thương mại, và cao hơn khá nhiều so với lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng quốc doanh. Hiện tại, mức lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tại các ngân hàng như Vietcombank và BIDV cao nhất là 4,7%/năm. Ngân hàng Vietinbank thậm chí còn có lãi suất thấp hơn ở mức 4,2%/năm.

“Nếu dùng các khoản cổ tức tiền mặt nhận được để tái đầu tư trong suốt thời gian nắm giữ còn lại, nhà đầu tư sẽ nhận được tỷ suất sinh lời hấp dẫn hơn,” ông Bình đưa ra lời khuyên.

Lấy trường hợp của VPBank làm ví dụ. Trong giai đoạn 5 năm, từ 2019 – 2024, tỷ suất sinh lời của cổ phiếu ngân hàng này chưa bao gồm cổ tức tiền mặt là 20,3%/năm. Với 2 đợt chia cổ tức tiền mặt 1.000 đồng mỗi cổ phiếu vào 2022 và 2023 đã đưa lợi tức đầu tư nhảy vọt từ 20,3% lên 23% mỗi năm. Tại đại hội đồng cổ đông vừa tổ chức tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPBank, ông Ngô Chí Dũng, tái khẳng định lại một lần nữa rằng, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện cam kết chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông trong 5 năm liền. Cam kết được đưa ra sau khi VPBank đã hoàn thành mọi kế hoạch tăng vốn, củng cố sức mạnh tài chính phục vụ cho những mục tiêu kinh doanh trong tương lai.

Trong năm 2024, VPBank đặt mục tiêu sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận so với năm 2023, đạt hơn 23.000 tỷ đồng. Kết thúc quý 1 vừa qua, ngân hàng này đạt gần 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 66% so với quý liền trước và 64% so với cùng kỳ.

Cùng chuyên mục

Đề xuất ứng dụng Mobile Banking phải xác thực sinh trắc học
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng. Trong đó, có đề xuất quy định ứng dụng Mobile Banking phải xác thực sinh trắc học khớp với dữ liệu của căn cước.
Ngân hàng thương mại có thể bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định việc cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép và một số quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.

Tin mới

Bộ GD-ĐT yêu cầu báo cáo khẩn vụ bằng tiến sĩ của Thượng toạ Thích Chân Quang
Ngày 25/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn hoả tốc số 3136/BGDĐT-GDĐH gửi Trường Đại học Luật Hà Nội, về việc báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo đối với Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt - tức Thượng toạ Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đề xuất văn phòng công chứng được khai thác thông tin về vân tay, mống mắt của cá nhân
Đại biểu Quốc hội đề nghị cho phép các tổ chức hành nghề công chứng được quyền kết nối, chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu, thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để hỗ trợ việc xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh trong hoạt động công chứng nhưng không ảnh hưởng đến vấn đề về an ninh quốc gia.