Khai báo thông tin cư trú như thế nào sau khi sổ hộ khẩu giấy hết hạn sử dụng?
Từ ngày 1/1/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị sử dụng trong các giao dịch, thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 38 Luật Cư trú. Tuy nhiên, người dân vẫn cần làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú như trước đây.
Theo khoản 3, Điều 38 Luật Cư trú, sổ hộ khẩu giấy chỉ được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022. Vì vậy, từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức bị "khai tử", thay vào đó cơ quan Nhà nước sẽ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu điện tử.
Bộ Công an cho biết, khi không còn sổ hộ khẩu, người dân có thể khai thác thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công. Sau khi công dân làm căn cước công dân gắn chip thì mỗi người sẽ có một mã định danh cá nhân trên hệ thống quốc gia, trong đó có đầy đủ các thông tin về tên, tuổi, giới tính, ngày sinh, nơi sinh, quan hệ nhân thân,... của công dân.
Mặc dù không còn sử dụng sổ hộ khẩu giấy nữa nhưng người dân vẫn cần hoàn thiện các thủ tục đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú, chỉ khác về cách thức thực hiện. Cụ thể:
Khi cần có xác nhận cư trú để thực hiện các thủ tục đi du học, mua bán nhà đất, đăng ký kết hôn,... thì người dân có thể trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú.
Hoặc người dân gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Nội dung xác nhận thông tin về cư trú bao gồm thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú. Xác nhận thông tin về cư trú có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp.
Bên cạnh đó, đối với thủ tục đăng ký thường trú, người dân chỉ cần chuẩn bị giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (nhà ở),... để chứng minh nơi cư trú hợp pháp. Sau đó, người dân đến trực tiếp tại trụ sở Công an cấp xã hoặc Công an cấp huyện (ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã) hoặc thực hiện online qua Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Tương tự, đối với thủ tục đăng ký tạm trú, người dân cần chuẩn bị giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (như hợp đồng thuê nhà,...) để làm thủ tục tại trụ sở Công an cấp xã nơi mình dự kiến tạm trú.
Ngoài ra, người dân cũng có thể làm thủ tục đăng ký tạm trú online qua Cổng dịch vụ công quản lý cư trú với các bước như sau:
Bước 1: Đăng nhập Cổng Dịch vụ công quản lý cư trú tại địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/
Hệ thống yêu cầu đăng nhập bằng tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia để tiếp tục. Nếu chưa có tài khoản, công dân cần chọn Đăng ký phía dưới để tạo tài khoản.
Bước 2: Khai báo đầy đủ thông tin trên trang Khai báo tạm trú. Điền tất cả các thông tin có dấu (*) vì đây là thông tin bắt buộc phải nhập. Sau đó, tích chọn Tôi xin chịu trách nhiệm về lời khai trên và ấn lưu rồi gửi hồ sơ.
Bước 3: Nhận kết quả giải quyết.
Sau khi gửi hồ sơ đi, người dân cần đợi thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ có trách nhiệm giải quyết trong 3 ngày làm việc. Nếu được yêu cầu đến trực tiếp để xuất trình các giấy tờ bản chính, người dân cần chấp hành để được đăng ký tạm trú.