Gọi cho con trai hỏi vay 200 triệu chữa bệnh, con dâu giật lấy điện thoại nói một câu làm tôi sững sờ
Tôi đã ở nhà con trai tới khi cháu trai 4 tuổi mới về quê, nhưng về chưa được bao lâu thì phát hiện gặp vấn đề về phổi.
Sau khi ly hôn, tôi không đi bước nữa mà ở vậy nuôi trai khôn lớn. Khi con trai lấy vợ, tôi đã vét hết tiền tiết kiệm mua cho con căn nhà để tụi nó ổn định cuộc sống. Dù sao thì trên đời có bậc cha mẹ nào không nghĩ tới con cái chứ, hạnh phúc của con là niềm vui của bố mẹ mà.
Khi con dâu sinh con, tôi cũng tới để chăm sóc con dâu và cháu nội. Mọi việc từ nấu cơm, giặt giũ, trông cháu,… tôi đều không nề hà bất cứ việc gì.
Thật may, tôi có một nàng dâu thảo hiền. Con bé giản dị, tinh tế và rất hiểu chuyện, biết vun vén cho gia đình. Con dâu cũng chẳng kén ăn. Mỗi khi tôi hỏi con muốn ăn gì để tôi nấu thì nó đều bảo: “Mẹ nấu món gì cũng ngon, con đều thích”.
Con dâu mới sinh được 4 tháng đã phải đi làm, từ đó mọi việc trong nhà tôi đều lo hết. Mấy bà hàng xóm đều bảo tôi chiều con quá, chúng nó sẽ ỷ lại, dần dần coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của tôi.
Nhưng, tôi thì nghĩ khác. Các con tôi đều ngoan ngoãn và có hiếu. Công việc của chúng nó có nhiều áp lực, tôi không thể giúp chúng trong công việc thì có thể giúp con trong cuộc sống hàng ngày như chăm sóc con cái, làm việc nhà thôi. Bằng cách này, các con sẽ thoải mái, thư giãn được đôi chút.
Con cái đang trong giai đoạn “leo núi” của cuộc đời, nếu được bố mẹ giúp thì chúng nó sẽ leo nhanh, con đường này cũng sẽ bằng phẳng hơn. Ngược lại, nếu bố mẹ không giúp đỡ, chúng sẽ rất chật vật, không những không gặt hái được thành tựu trong sự nghiệp mà đôi khi còn có thể ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng. Vì thế, tôi luôn cố gắng giúp đỡ các con theo sức của mình.
Tôi cũng nghĩ rằng, việc giúp đỡ con cái giống như gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, khi về già có thể rút tiền nếu muốn. Nếu bố mẹ bỏ qua nhu cầu của con cái, không giúp đỡ chúng nó thì cũng giống như việc không gửi tiền tiết kiệm, khi về già và cần tiền, lấy tiền đâu ra mà rút?
Cứ như thế, tôi đã ở nhà con trai tới khi cháu trai 4 tuổi mới về quê. Lúc đó, tôi mới thực sự bắt đầu cuộc sống hưu trí của mình. Tôi muốn trồng hoa trong vườn nhà, đăng ký tham gia câu lạc bộ khiêu vũ và thi thoảng sẽ đi du lịch cùng nhóm bạn thân.
Tuy nhiên, khi khám sức khỏe định kỳ, tôi phát hiện phổi của mình có vấn đề. Bác sĩ nói tôi cần phải phẫu thuật càng sớm càng tốt và chi phí khoảng 200 triệu.
Tôi không có nhiều tiền như thế, bởi mấy năm qua, tôi đều âm thầm trích một phần lương hưu thêm vào chi phí sinh hoạt của gia đình con. Tiền tiết kiệm trước đó đã vét hết mua nhà cho con trai rồi còn đâu.
Suy nghĩ một lúc, tôi đành gọi điện vay con trai tiền chữa bệnh.
- Con à, con cho mẹ vay 200 triệu chữa bệnh được không? Mẹ đi khám, bác sĩ bảo phổi của mẹ có vấn đề.
Lúc này, con dâu giật lấy điện thoại của chồng rồi thẳng thừng từ chối tôi:
- Mẹ ơi, số tiền này chúng con không cho mẹ vay được.
Tôi không khỏi hụt hẫng khi nghe lời này, nhưng sau đó con dâu lại nói tiếp:
- Chúng con sẽ lo hết tiền viện phí cho mẹ, mẹ không cần phải trả lại. Mẹ đã chăm sóc chúng con suốt mấy năm qua, chúng con còn chưa báo đáp mẹ được gì. Mẹ bị bệnh, chúng con phải lo chứ, sao lại cho mẹ vay tiền được. Hôm sau con sẽ xin nghỉ làm để về quê chăm mẹ, mẹ yên tâm nhé.
Những lời con dâu nói khiến tôi sững sờ, sau đó cảm động đến mức bật khóc. Mọi công sức bao năm qua đều đáng giá.
Ngày hôm sau, vợ chồng con trai đề về quê. Chúng nó đón tôi lên thành phố để khám lại và điều trị trên đó, như vậy sẽ thuận tiện hơn cho cháu trai đi học, hai vợ chồng con cũng có thể xoay ca đi làm và vào bệnh viện chăm sóc tôi.
Ca phẫu thuật đã thành công. Trong thời gian nằm viện, các con chăm sóc tôi rất chu đáo nên rất nhanh tôi đã hồi phục. Sau khi xuất viện, các con giữ tôi ở lại để tiện bề chăm sóc. Tuy nhiên, tôi từ chối. Tôi muốn về quê và bắt đầu cuộc sống hưu trí của mình, sống cuộc sống của riêng mình.