Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 21/10/2021 14:51 (GMT+7)

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn xin lỗi về phát ngôn 'chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc'

Theo dõi GĐ&PL trên

'Đây là sơ suất của cá nhân tôi. Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới người dân TPHCM về sơ suất này! Tôi rất mong nhận được sự thông cảm, lượng thứ của người dân', ông Tấn bày tỏ.

Chiều 20/10, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đã gửi lời xin lỗi đến người dân thành phố sau khi phát ngôn "Chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ vì dịch" tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X diễn ra vào chiều 18/10 gây xôn xao dư luận.

Theo báo Thanh niên, ngày hôm sau, ông Tấn tiếp tục khẳng định: “Ý của tôi không phải như vậy. Tại anh em nghe không rõ nên mới đăng vậy. Tôi không nói câu “chưa có ai khốn khổ, khó khăn...”. Sau đó, một tờ báo đã đăng lại đoạn ghi âm cuộc họp cho thấy ông Tấn đã nói “chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ”.

Đến chiều 20/10, ông Lê Minh Tấn đã gặp gỡ báo chí để xin lỗi Nhân dân TP Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Tấn bày tỏ: "Thưa bà con, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 và diễn ra phức tạp trong thời gian dài đã tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống của người dân trên địa bàn TPHCM. Tôi xin được gửi lời chia sẻ với những đau thương, mất mát quá lớn của người dân, xin chia sẻ với những nỗi khó khăn vất vả mà bà con đã phải gánh chịu.

Trước những khó khăn vất vả của người dân, tôi là thành viên Tiểu ban An sinh xã hội Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM, đã phối hợp cùng các ngành tham mưu các chính sách chăm lo, hỗ trợ người dân. Tôi hiểu rằng mặc dù các cấp chính quyền đã nỗ lực triển khai các chính sách hỗ trợ, mặc dù cộng đồng đã chung tay tương trợ, nhưng trên thực tế vẫn còn một bộ phận người dân có hoàn cảnh khó khăn, rơi vào cảnh khốn khổ. Bởi vì với một đô thị đông dân như TPHCM và thời gian dịch bệnh phức tạp kéo dài, khó khăn của người dân gia tăng sau nhiều tháng giãn cách làm sao mà tránh được những thiếu sót.

Thưa bà con, trong buổi thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa X vào chiều 18-10, tôi có diễn đạt là "… chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ". Tôi đã soát xét lại bản thân mình và hiểu rằng mình phát biểu như thế là chưa gãy gọn, chưa thể hiện rõ những khó khăn vất vả, những lo toan về cuộc sống, những lo lắng về mối nguy hiểm trước nguy cơ của dịch bệnh đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi gia đình, mọi người dân trên địa bàn TPHCM.

Đây là sơ suất của cá nhân tôi. Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới người dân TPHCM về sơ suất này! Tôi rất mong nhận được sự thông cảm, lượng thứ của người dân. Với tinh thần cầu thị lắng nghe, tôi mong tiếp tục nhận được sự góp ý của người dân trong thời gian tới.

Với trách nhiệm của mình, tôi sẽ cố gắng tham mưu, làm tốt công tác chăm lo cho người dân, giúp người dân vơi bớt phần nào khó khăn. Cùng với việc triển khai hỗ trợ giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt thì về giải pháp lâu dài, tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy các hoạt động giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động. Đây chính là an sinh bền vững và giúp người dân có cuộc sống ổn định lâu dài.

Một lần nữa, tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới người dân thành phố!", báo Lao động ghi lời ông Tấn.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Luật Đất đai 2024: Bỏ khung giá đất - lành mạnh hóa thị trường đất đai
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.