Giải mã sức hút huy động vốn từ P2P Lending
Là một trong những từ khóa “hot” trên các diễn đàn kinh tế - tài chính trong 2 năm qua, P2P Lending được giới chuyên gia nhận định có thể trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, bên cạnh các kênh huy động vốn truyền thống.
Giải pháp huy động vốn linh hoạt, đa dạng và nhanh chóng
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trung bình một tháng Việt Nam có hơn 10 nghìn doanh nghiệp (DN) mới được “khai sinh”, nhưng chỉ có 40% DN đang hoạt động đủ khả năng vay vốn ngân hàng. Điều này cho thấy, dòng tiền của các DN vừa và nhỏ chủ yếu đến từ nguồn vốn sẵn có của thành viên sáng lập và khoản thu lợi nhuận trong kinh doanh.
Với cơ chế hoạt động linh hoạt dựa trên quyền chia sẻ và sử dụng vốn, P2P Lending mang đến giải pháp huy động vốn hiệu quả cho các DN vừa và nhỏ. Thay vì được thẩm định dựa trên tài sản thế chấp, một số DN P2P Lending hiện nay có thể được thẩm định khoản vay dựa trên kết quả kinh doanh mà không yêu cầu tài sản thế chấp, giúp DN nhanh chóng tiếp cận vốn vay, không bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh tiềm năng.
Là giải pháp tài chính trực tuyến kết nối trực tiếp DN với cộng đồng nhà đầu tư thông qua nền tảng công nghệ hiện đại, những khoản vay được các công ty P2P Lending quy định về lãi suất, kỳ hạn,...công khai, rõ ràng, giúp các DN có căn cứ lên kế hoạch huy động và trả nợ vốn.
Theo đại diện VNVON.COM - một DN nổi bật hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending dành riêng cho DN, lãi suất huy động vốn đang áp dụng tại sàn không quá 16%/ năm theo quy định nhà nước; số tiền huy động vốn lên tới 1 tỷ đồng; không yêu cầu thế chấp tài sản và thời gian giải ngân trung bình từ 2-3 ngày.
“Chúng tôi đặt ra các quy định rõ ràng về số tiền, kỳ hạn, mức lãi suất cho vay giúp DN có thể linh hoạt lựa chọn khoản vay, phù hợp từng nhu cầu, đảm bảo nguồn tiền lưu động luôn ổn định”, đại diện VNVON.COM nói.
Từng trải nghiệm huy động vốn tại P2P Lending, bà Đỗ Thị M. – CEO một DN xây dựng tại Hà Nội nhận xét: “Ưu điểm của DN huy động vốn trên kênh P2P Lending là hoàn toàn chủ động các khoản vay của mình. Trong khi nếu như DN vay người thân, bạn bè lại có thể bị đòi bất cứ lúc nào, và rất dễ rơi vào tình thế bị động, khó có thể trả đúng hẹn”.
Cấp vốn “sạch’’ cho DN, đẩy lùi tín dụng đen
Xuất phát từ nhu cầu vay vốn kinh doanh “khẩn cấp”, không ít chủ DN vừa và nhỏ “sập bẫy” huy động vốn từ tín dụng đen trá hình công ty tài chính. Những công ty này thường lợi dụng “sự nhập nhằng” trong các văn bản vay vốn quy định về lãi suất, hoặc dùng “chiêu trò” tạo cảm giác lãi suất ban đầu rất nhỏ, ví dụ chỉ từ 1-2%/ngày. Tuy nhiên, nếu quy đổi ra lãi suất theo tháng hay năm sẽ trở thành mức lãi “cắt cổ”; có thể lên tới đến 360 – 730%/năm.
Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, nhu cầu DN vừa và nhỏ huy động vốn rất lớn, trong khi một số DN khó có thể vay vốn từ ngân hàng, và không phải đối tượng nào cũng có thể vay được vốn từ ngân hàng. Do đó, rất khó có thể đề ra một giải pháp tạm thời khắc phục triệt để những tổ chức tín dụng đen.
“Tôi cho rằng, về lâu dài, biện pháp tốt nhất là Chính Phủ cần cải tổ, xây dựng hệ thống tài chính, khung pháp lý cho Fintech trong đó có P2P Lending, giúp DN huy động vốn nhanh chóng, an toàn”.
Về phía các công ty P2P Lending, đại diện VNVON.COM nhận định: “Một doanh nghiệp P2P Lending hoạt động chuyên nghiệp sẽ phải luôn tuân thủ các chế tài pháp luật về dịch vụ kinh doanh tài chính, gồm quy định về lãi suất rõ ràng, phương pháp trả nợ, đầy đủ giấy tờ pháp lý, đảm bảo sự minh bạch với đơn vị vay vốn”.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, sự xuất hiện kịp thời của mô hình P2P Lending được xem là giải pháp cần thiết giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của tín dụng đen. Đặc biệt, tại những khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, DN khó tiếp cận các hình thức vay vốn truyền thống như ngân hàng, quỹ đầu tư…
Ước tính của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng trung bình của huy động vốn cộng đồng giai đoạn 2019-2023 khoảng 16,9%. Đây là một tín hiệu đáng mừng và là minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của mô hình P2P Lending tác động tới thị trường tài chính, kinh tế.