Đón mẹ lên chăm cháu, được một năm tôi liền đưa về quê nếu không vợ chồng tôi ly hôn mất
Theo thời gian, vì khoảng cách tuổi tác, khác biệt về thói quen và quan niệm sống mà vợ chồng tôi và mẹ xảy ra nhiều xích mích, nhất là mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu ngày càng leo thang.
Ngày trước khi mới sinh con, mẹ vợ lên chăm vợ tôi, còn mẹ tôi thi thoảng chỉ lên thăm cháu rồi về. Thực ra mẹ tôi cũng muốn lên chăm con dâu chăm cháu, nhưng vợ sợ mẹ chồng nàng dâu sống chung lâu ngày sẽ xảy ra xích mích nên không dám nhờ bà. Con dâu không có lời, mẹ tôi cũng chẳng dám lên ở lâu.
Khi con trai được 2 tuổi, bố vợ ốm nặng nên mẹ vợ đành phải về quê chăm sóc ông. Đến lúc này, vợ mới bàn với tôi đón mẹ chồng lên đưa đón cháu đi học, vì hai vợ chồng tôi đều làm về muộn, nhà lại xa công ty.
Mẹ tôi nghe vậy thì mừng lắm, liền thu dọn đồ đạc rồi mang túi to túi nhỏ quà quê lên cho con cháu tẩm bổ. Từ khi có mẹ đến sống cùng, vợ chồng tôi rảnh rang hẳn. Đi làm về con đã được bà tắm rửa sạch sẽ và cho ăn rồi. Nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, cơm canh nóng hổi đã sẵn sãng, vợ chồng tôi chỉ việc đi tắm rồi ngồi vào bàn ăn thôi.
Tuy nhiên theo thời gian, vì khoảng cách tuổi tác, khác biệt về thói quen và quan niệm sống mà vợ chồng tôi và mẹ xảy ra nhiều xích mích, nhất là mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu ngày càng theo lang. Mẹ không tôn trọng không gian cá nhân và sự riêng tư của vợ chồng tôi.
Lắm buổi sáng hai vợ chồng đang ôm nhau ngủ, mẹ bỗng đẩy cửa đi vào, khi thì lau nhà, khi thì hỏi có đồ bẩn không để mẹ mang đi giặt khiến hai vợ chồng được phen tá hỏa. Nhắc mãi mẹ vẫn vậy nên vợ chồng tôi sau phải chốt cửa phòng lại, đồng thời dặn mẹ không cần dọn phòng ngủ của hai đứa.
Trong ăn uống mẹ chồng nàng dâu cũng xảy ra xích mích. Mẹ tôi vốn khổ quen rồi nên nhiều lúc vợ mua nhiều thức ăn một chút cho cả nhà tẩm bổ thì mẹ lại trách móc lãng phí, không biết tiết kiệm. Nhiều lúc hai vợ chồng muốn ra ngoài ăn uống với bạn bè một bữa cũng khó, vì mẹ sẽ càm ràm mãi không thôi. Nên thành ra từ khi mẹ đến ở cùng, vợ chồng tôi chỉ biết đường từ nhà đến công ty, từ công ty về nhà mà thôi.
Nhưng, mâu thuẫn gay gắt nhất vẫn là chuyện chăm con chăm cháu. Các bà vốn chiều cháu, xót cháu, mẹ tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Lúc mới lên, mẹ đòi ở nhà giữ cháu, không cho thằng bé đi học vì nó mới 2 tuổi. Nhưng không để con đi học sớm thì sau này rất khó, nên vợ chồng tôi kiên quyết đưa thằng bé đi nhà trẻ.
Ở nhà rảnh rỗi lại xót cháu nên mẹ tôi chăm chăm canh cháu qua camera và gọi ngay cho cô giáo nếu không thấy hài lòng. Buổi chiều, bà lại đến đón cháu sớm rồi đưa thằng bé đi chơi quanh khu chung cư để bù đắp. Lắm lúc cô giáo phản ánh lại mà vợ tôi phát ngại.
Mẹ còn thường xuyên cho con trai tôi vừa ăn vừa xem tivi để thằng bé ăn được nhiều hơn, gì cũng chiều theo ý nó. Bảo mẹ đừng chiều cháu quá không nó sinh hư mà mẹ tôi vẫn vậy.
- Thằng bé có gì mà hư. Nó vẫn ăn ngon, ngủ điều độ, sáng ra đi học không khóc. Mẹ chẳng hiểu các con nghĩ gì nữa mà bảo thế. Từ khi mẹ lên đây ở, thằng bé tăng cân vèo vèo, ít ốm đau hẳn đấy thôi.
Thế rồi mẹ cũng ở với chúng tôi được một năm. Trước đợt khai giảng năm học mới, mẹ và vợ tôi lại cãi nhau to, cũng chỉ vì chuyện chăm con chăm cháu thôi. Trong cơn tức giận, tôi buột miệng bảo:
- Mẹ ở đây, khéo khi vợ chồng con bỏ nhau mất. Biết là mẹ lo cho cháu nhưng cũng một vừa hai phải thôi, cái gì mẹ cũng làm quá lên. Mỗi lần mẹ chồng con dâu nói chuyện không hợp nhau, vào phòng cô ấy đều than vãn, gây sự với con, có khi còn đòi ly hôn kia kìa.
Giờ cháu lớn hơn rồi, vợ chồng con cũng ít việc hơn nên sẽ sắp xếp đưa đón nó được. Mẹ rời quê lên đây lâu rồi, bố ở nhà cũng ốm đau, thôi thì mẹ về quê với bố đi, thỉnh thoảng chúng con sẽ đưa cháu về thăm ông bà.
Mẹ tôi nghe xong thì im bặt không nói tiếng nào. Đến sáng hôm sau, sau khi đưa con trai đi học xong, mẹ bảo tôi đưa bà ra bến xe để bà bắt xe về quê. Từ ngày bà về quê, đến nay cũng gần một tuần rồi nhưng vợ chồng tôi gọi điện chục cuộc mà bà không nghe.
Chắc là mẹ đang giận chúng tôi, nhưng thật sự mẹ chồng nàng dâu nếu cứ sống chung nữa chắc vợ chồng tôi bỏ nhau thật. Tôi cũng chỉ vì bất đắc dĩ nên mới phải làm thế thôi.