Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 20/06/2024 07:26 (GMT+7)

Chính thức trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai từ ngày 1/8

Theo dõi GĐ&PL trên

Thay vì có hiệu lực từ 1/1/2025, Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 (sớm hơn 5 tháng).

tm-img-alt
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 do Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tại Kỳ họp thứ 7, chiều nay 19/6.

Theo đó, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội.

Đồng thời, hai khoản của Điều 200 và Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng cũng được đề nghị có hiệu lực sớm từ 1/8 để đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ khi nhận tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.

Với các quy định chuyển tiếp tại Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản, Chính phủ cho hay đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tác động vướng mắc có thể phát sinh, gồm doanh nghiệp đang làm dự án đầu tư có sử dụng đất.

Chính phủ cho rằng, việc cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn sẽ khắc phục tồn tại trong định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư – vốn là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm.

Việc này cũng tạo hành lang pháp lý, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội. Về phía doanh nghiệp, người dân, họ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.

Riêng một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ điều 253 đến 260) của Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ 1/1/2025.

Theo Chính phủ, việc đẩy sớm có hiệu lực của Luật Đất đai 2024 lên trước 5 tháng có thể dẫn tới vướng mắc cho một số dự án đang thực hiện dở dang thủ thục chọn nhà đầu tư từ đầu với một số thay đổi về quy định liên quan tới sử dụng đất, tức là việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp (như tiến độ thực hiện dự án) có thể bị ảnh hưởng. Điều này khiến chi phí tuân thủ tăng, ảnh hưởng tới đầu tư, và không loại trừ phản ứng tiêu cực từ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là với dự án bất động sản đang gặp khó về thủ tục. Do vậy, Chính phủ đề nghị giữ nguyên hiệu lực của khoản 10 Điều 255 là từ ngày 1/1/2025, để đảm bảo quyền lợi, lợi ích của nhà đầu tư, hạn chế lãng phí thời gian, của cải của xã hội.

Tương tự, khoản 4 Điều 260 Luật Đất đai 2024 quy định xử lý chuyển tiếp với phương án sử dụng đất, xử lý, sắp xếp lại nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định 132/2020. Tuy nhiên, qua rà soát, Chính phủ cho hay, nếu áp dụng ngay quy định này từ 1/8 có thể rút ngắn thời gian để hoàn thiện thủ tục trình phương án sử dụng, xử lý nhà đất của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc Phòng, Công an.

Vì thế, Chính phủ đề nghị quy định này áp dụng từ 1/1/2025 để các cơ quan, đơn vị hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý, sắp xếp lại với nhà, đất khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh nằm trong quy hoạch.

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ tính toán kỹ thời điểm điều chỉnh hiệu lực sớm và thời gian sớm bao nhiêu trên cơ sở xem xét hết sức thận trọng 2 khía cạnh. Thứ nhất là tính cấp bách, cấp thiết của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật từ ngày 01/8/2024. Thứ hai là mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành Luật trong trường hợp Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.

Ủy ban Kinh tế cũng nhận thấy, việc sửa đổi hiệu lực của các Luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật tại các địa phương.

Một số địa phương quan ngại về việc chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực sớm có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi hành luật, nhất là Luật Đất đai, do có nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương.

"Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương, làm rõ ngoài những văn bản mà theo yêu cầu của các luật, còn có những văn bản nào khác mà các địa phương phải ban hành căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư sắp được ban hành, làm rõ tác động và giải pháp xử lý", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...
Số ca mắc sởi tăng cao, bệnh viện quá tải
Khoảng 1 tuần qua, số bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị tại Đồng Nai tăng cao. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận gần 70 ca mắc mới, dẫn đến quá tải tại các khoa điều trị về hô hấp. Đáng lưu ý, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi theo khuyến cáo.