Chân dung nữ đại gia chỉ thích đi chân đất và mặc quần áo cũ
Người trong làng đặt cho bà Vừng biệt danh đại gia "chân đất"
Ghé Tân Châu (Khoái Châu, Hưng Yên) hỏi thăm bà Đỗ Thị Vừng (SN 1955) ai cũng biết bởi giỏi giang và giàu có. Thậm chí người trong làng còn đặt cho bà biệt danh đại gia "chân đất".
Anh Long (34 tuổi) - sống gần nhà bà Vừng cho biết, bà nổi tiếng khắp tỉnh Hưng Yên khi nắm trong tay khối tài sản khủng dù là một nông dân chính hiệu. "Bà Vừng có 10 mẫu đất trồng cây giống cho doanh thu hàng tỷ đồng; mô hình ao chuồng hiện đại... Đặc biệt bà có nhiều học trò là tỷ phú nhờ nghề ươm cây giống.
Người lạ gặp sẽ không thể đoán bà là đại gia vì ăn mặc giản dị, chân toàn đi đất và sống bình thường như đúng phong cách người nông dân", anh Long nói.
Giàu có nhờ trồng cây giống
Bà Vừng lập gia đình khi còn rất trẻ. Bà cùng chồng đã làm đủ nghề với hi vọng cuộc sống khấm khá, thoát cảnh "đói ăn đói mặc" nhưng cái nghèo mãi bủa vây. Thậm chí cả hai còn rơi vào cảnh nợ nần, cứ thiếu trước hụt sau.
Năm 1988, người phụ nữ xứ nhãn quyết định lên Gia Lâm (Hà Nội) trồng chuối thuê cho người giàu với suy nghĩ cuộc sống sẽ dễ hơn hơn. Ở đây, bà tình cờ quen một người làm trong Viện Nghiên cứu Rau quả và được giới thiệu vào học kỹ thuật ươm cây giống.
Nữ đại gia "chân đất" đã miệt mài học tập, tiếp thu kiến thức trồng trọt. Sau đó bà về quê bắt đầu sự nghiệp trồng cây giống.
"Những năm 1990, tôi là người tiên phong trong nghề trồng cây giống ở xã Tân Châu. Hồi đó không có ai "đi trước" nên tôi gặp khá nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ cây giống vì không có đầu ra.
Tôi nhớ lứa cây đầu tiên phải chở đến nơi xa để bán rồi dần dần tìm được người mua buôn. Từ đó công việc thuận lợi, vợ chồng bắt đầu có của ăn của để”, nữ đại gia "chân đất" nói.
Bà Vừng phất lên nhờ trồng cây giống, người trong vùng bắt đầu đến xin học hỏi kinh nghiệm trồng cây làm giàu. Thậm chí, người dân ở các tỉnh Hà Nam, Sơn La, Thái Bình, Phú Thọ hay tin cũng về tìm bà xin làm học trò.
"Tôi thấy họ ham học hỏi, muốn vươn lên làm giàu giống mình ngày xưa nên xúc động vô cùng. Tôi sẵn sàng chia sẻ, tư vấn và có bí quyết gì đều chỉ hết", bà Vừng nhớ lại.
Học xong kinh nghiệm, ai muốn lấy cây giống của nữ đại gia "chân đất" về trồng đều được hướng dẫn chi tiết kỹ thuật trồng và giới thiệu đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, học trò của bà hầu hết thành công, sở hữu cơ ngơi hoành tráng.
Gần 70 tuổi vẫn tâm huyết với sự nghiệp trồng cây
Hiện tại bà Vừng đã quá tuổi nghỉ hưu, có khối tài sản "không phải ít" nhưng hàng ngày vẫn mặc quần áo cũ, chân đi đất lên vườn chăm sóc cây giống và quản lý hàng chục nhân công. Bà thừa nhận bản thân có tuổi ăn uống chẳng hết bao nhiêu, chết không đem theo được nhưng vẫn muốn cống hiến cho công việc. Bà có thể để tài sản cho con cho cháu hoặc giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Nói rồi, nữ đại gia "chân đất" cho biết năm 2020 đã ủng hộ một tấn gạo cho các cụ già không nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn và 600kg gạo cho 6 hội viên phụ nữ nghèo ở Tân Châu. Ngoài ra bà còn tự bỏ tiền túi làm đường bê tông, ngã tư cho bà con đi lại thuận tiện hơn.
"Bà có tiền, lại đến tuổi nghỉ hưu, tại sao không hưởng thụ cuộc sống và giao sản nghiệp cho các con?", khi được hỏi, nữ đại gia "chân đất" thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Mỗi người có một suy nghĩ khác nhau khi về già. Ví dụ như có người thích du lịch, đi đây đi đó với bạn bè; có người lại muốn lui về hưởng cuộc sống an nhàn và giao lại cơ ngơi cho các con tiếp quản... Còn tôi lựa chọn gắn bó với công việc.
Tôi quan niệm khỏe thì cứ lao động. Đặc biệt đồng tiền do tôi kiếm ra tiêu cũng sướng và muốn giúp đỡ ai thì giúp”.
Bà Vừng có 5 người con, trong đó 4 người theo nghiệp trồng cây giống của gia đình. Hiện tất cả đều thành công với cuộc sống vô cùng đủ đầy.
Nữ đại gia chân đất thừa nhận bà nuôi dạy con khác người. Nhiều người giàu có cho con “con cá” để ăn nhưng bà không vậy. Bà cho “cần câu”, chỉ dạy con kỹ thuật ươm cây, chăm sóc cây giống…
Khi các con lập gia đình, bà Vừng sẽ cho mượn tiền đầu tư làm ăn, bao giờ có lãi thì trả lại. May mắn cả 4 người giờ đều nắm trong tay vài mẫu đất trồng cây giống, có của ăn của để.
Lãnh đạo UBND xã Tân Châu cho biết, bà Vừng là người đầu tiên đem nghề làm cây giống về xã, giúp bộ mặt kinh tế của địa phương khởi sắc. Bà cũng thường xuyên giúp đỡ phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Bà được người dân trong vùng vô cùng ngưỡng mộ bởi cái tài và cái tâm.