Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Chủ nhật, 09/07/2023 07:55 (GMT+7)

Cao tốc TPHCM-Mộc Bài được bổ sung vào các dự án quan trọng quốc gia

Theo dõi GĐ&PL trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 817/QĐ-TTg ngày 7/7/2023 bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Cụ thể,Thủ tướng bổ sung Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào danh mục các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải nêu tại Điều 1 Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022.

Cao tốc TP HCM - Mộc Bài có chiều dài khoảng 53,5km với điểm đầu giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn TP HCM và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh.

Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT và chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng đoạn TP HCM - Trảng Bàng, Tây Ninh với quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 4 làn xe, đường cao tốc hạn chế.

Giai đoạn 2 xây dựng đoạn TP HCM - Trảng Bàng với quy mô 8 làn xe và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 6 làn xe. Dự án sẽ khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2027.

tm-img-alt
Phối cảnh cao tốc TP HCM - Mộc Bài khi hoàn thành. Ảnh: Báo Giao thông.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 20.889 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương tham gia dự án 9.932 tỉ đồng, TP.HCM và Tây Ninh 2.900 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư…; vốn do nhà đầu tư BOT huy động 10.957 tỉ đồng.

Tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ tăng cường kết nối vùng Đông Nam Bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây; là tuyến giao thông đường bộ ngắn nhất kết nối TP HCM với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Dự án còn có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài – TP HCM – Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, đặc biệt là khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Dự án dự kiến khởi công năm 2024, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2027.

Trước đó, tại văn bản số 4691/VPCP-CN tháng 6/2023 về tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chấp thuận nhiều nội dung, trong đó có bổ sung Dự án đường bộ cao tốc TP HCM - Mộc Bài vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải TP HCM trước đó.

Tại quyết định ngày 7/7, Thủ tướng cũng kiện toàn 2 Ủy viên mới của Ban Chỉ đạo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung và Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc.

Các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm bao gồm: Đường Hồ Chí Minh; các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bến Lức - Long Thành, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh;

Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và Hồ Chí Minh; cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết.

Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Bên cạnh đó, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ về đầu tư xây dựng các dự án nêu trên theo đúng các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đối với các dự án; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc triển khai thực hiện các dự án theo quy định.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...
Số ca mắc sởi tăng cao, bệnh viện quá tải
Khoảng 1 tuần qua, số bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị tại Đồng Nai tăng cao. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận gần 70 ca mắc mới, dẫn đến quá tải tại các khoa điều trị về hô hấp. Đáng lưu ý, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi theo khuyến cáo.