Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ tư, 04/11/2020 09:33 (GMT+7)

Cẩn thận với thủ đoạn 'Bán lúa non' ở các dự án BĐS

Theo dõi GĐ&PL trên

Thị trường BĐS bùng nổ đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. Thế nhưng, nhiều DN cũng lợi dụng điều này để huy động vốn khách hàng bằng những dự án thiếu tính pháp lý, gọi nôm na là... “bán lúa non”!

Thanh lọc thị trường

Tại thị trường Đồng Nai, thời gian qua, cơ quan chức năng đã khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với Đỗ Sơn Tùng (37 tuổi, quê Hà Nam). Các quyết định đã được Viện KSND tỉnh Đồng Nai cùng cấp phê chuẩn.

Ông Tùng là tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai, có trụ sở tại A3H6, khu phố 4, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa. Công ty được thành lập tháng 1/2018 với ngành nghề chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, ông Tùng bị bắt để điều tra liên quan đến các đơn tố cáo của người dân cho rằng, Công ty bất động sản Đồng Nai vẽ dự án "ma" lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có dự án Nice Town với diện tích gần 10ha tại xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom.

tm-img-alt
Người dân căng băng rôn tố cáo công ty bất động sản lừa đảo

Trước đó, nhiều người dân đã đặt tiền mua đất dự án của Công ty bất động sản Đồng Nai. Tuy nhiên, sau đó họ phát hiện dự án công ty rao bán là dự án "ma" nên đã làm đơn tố cáo gửi công an, yêu cầu ngăn chặn. Đến cuối tháng 7/2020, nhiều người dân đã mang băng rôn kéo đến trước trụ sở Công ty bất động sản Đồng Nai yêu cầu gặp tổng giám đốc để đòi lại tiền mua đất. Trên băng rôn có nội dung yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc xử lý Công ty bất động sản Đồng Nai có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Còn ở Bình Dương, vào tháng 2/2020, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt giam Nguyễn Thanh Hùng (26 tuổi, là giám đốc) và Hoàng Anh Vui (26 tuổi, Phó giám đốc Pháp lý) của Công ty CP thương mại dịch vụ địa ốc Bình Dương City Land (gọi tắt là Cty Bình Dương City Land), để điều tra về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, hàng trăm khách hàng đã tới trụ sở của Cty Bình Dương City Land để tố cáo công ty bán dự án trái phép cho họ. Cụ thể, từ năm 2018, công ty này đã tự “vẽ” ra dự án “Green City 2” tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng và dự án “KDC Phúc Long City” tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo rồi quảng bá rầm rộ.

Theo thỏa thuận hợp đồng mua bán, hầu hết người mua đất nền tại đây đã nộp đủ trên 90% tiền (trên 300 triệu/nền) mua đất. Tuy nhiên, sau đó không khách hàng nào được giao đất vì các dự án trên đều không có pháp lý. Nhiều người dân đã nộp đủ tiền nhưng suốt từ đó tới nay, dù đã quá hạn trong hợp đồng nhưng công ty không giao sổ nên khách hàng làm đơn tố cáo.

tm-img-alt
Một dự án của Phú Nhuận Land đã ký hợp đồng nguyên tắc với khách hàng dù chưa đủ điều kiện.

Theo đại diện Sở Xây dựng Bình Dương, hai dự án mà Cty Bình Dương City Land nêu ra tới nay vẫn chưa được cấp phép. Trong đó “dự án Green City 2” tại Bàu Bàng công ty có nộp hồ sơ nhưng chưa đủ điều kiện cấp phép. Còn “dự án KDC Phúc Long City” tại Phú Giáo thì sở chưa nhận được bất cứ thủ tục xin phép nào.

Ở TPHCM, cơ quan chức năng cũng đã khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với ông Đặng Tiến Trường, Giám đốc Công ty CP King Home Land (Công ty King Home Land) cùng đồng bọn.

Cơ quan điều tra xác định, sau khi nhận được ủy quyền của các cá nhân đứng tên nhiều thửa đất tại quận 9, quận 12 (TPHCM) và huyện Long Thành (Đồng Nai), Đặng Tiến Trường đã không thực hiện thủ tục phân lô, tách thửa. Trái lại, Trường vẽ ra dự án bất động sản phân lô bán nền không có thật với các tên gọi: King Home 1, King Home 2, King Home 4 và King City.

Trường đã chỉ đạo nhân viên công ty thực hiện phát tờ rơi hoặc điện thoại trực tiếp cho các cá nhân để tiếp thị, quảng cáo, rao bán các nền đất thuộc dự án “ma” nói trên. Tiếp đó, Trường cho các cá nhân ký kết hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để chiếm đoạt số tiền hơn 21 tỷ đồng. Quá thời hạn chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà Trường vẫn không bàn giao nền, sổ đỏ do đó nhiều khách hàng đã yêu cầu Công ty King Home Land trả lại tiền.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài ký hợp đồng mua nền đất, khách hàng vẫn chưa thể nhận được nền nên đã tố cáo lên cơ quan chức năng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của công ty này.

Nguy hiểm cho khách hàng từ việc huy động vốn

Việc huy động vốn ở những dự án chưa đầy đủ pháp lý không còn gì xa lạ hiện nay trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, khi khách hàng và nhà đầu tư đặt niềm tin sai chỗ sẽ rất dễ bị “sập hầm” và gặp khốn khổ về sau.

Điển hình tại thị trường TPHCM, dự án Bình Lợi Center (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) do Công ty CP TM-DV Phú Nhuận Land (Phú Nhuận Land) làm chủ đầu tư. Hiện nay dự án vẫn chưa đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, thế nhưng chủ đầu tư đã huy động vốn của người dân bằng các hợp đồng nguyên tắc. Sự việc đã khiến chính quyền địa phương tuyên bố sẽ gắn biển cảnh báo để người dân, nhà đầu tư cảnh giác.

Phát biểu trong một hội thảo BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho rằng, lừa đảo bằng việc huy động vốn ở những dự án thiếu pháp lý là vấn đề rất nhức nhối của thị trường bất động sản trong thời gian qua. Các công ty kinh doanh bất động sản làm mọi cách để tiếp cận khách hàng, trong đó có cả lừa dối.

Ngoài ra, họ có thêm kỹ xảo soạn thảo hợp đồng theo kiểu “gài bẫy” người mua. Vì vậy, người dân trước khi ký hợp đồng phải đọc thật kỹ tránh đầu tư sai “chỗ”. Theo Luật Dân sự năm 2015, khi hai bên ký kết hợp đồng một trong các bên vi phạm nghĩa vụ đã ký kết thì sẻ căn cứ theo các điều khoản trong hợp đồng để “chế tài”, còn theo Luật Thương mại thì khi vi phạm hợp đồng thì bị phạt không quá 8% giá trị hợp đồng. Còn trên các hợp đồng họ làm đối với khách hàng, một số công ty ghi rất sơ sài, thiếu thông tin. Chính vì thế người dân đi kiện, bắt bẻ họ lại đổ do các nhân viên làm sai…

“Chúng tôi không chấp nhận các công ty có “văn hóa” làm ăn gian dối như vậy được. Người dân hãy cùng đoàn kết đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền lợi của mình. Các cơ quan báo đài đưa tin cảnh báo trường hợp các công ty làm ăn gian dối để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn uy tín” ông Châu kêu gọi.

Luật sư Lê Thị Bích Hằng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, dự án vẫn đang là bãi đất trống xung quanh quây tôn, chưa triển khai thi công, chưa đủ điều kiện mở bán mà chủ đầu tư dự án đã rao bán các căn hộ trên các sàn giao dịch bất động sản là trái quy định của pháp luật. Điều này, đồng nghĩa với việc chủ đầu tư chưa thể ký hợp đồng mua bán căn hộ, nhà ở hình thành trong tương lai cho khách hàng.

Quang Bình - Chu Trung

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc công bố danh sách 46 dự án khu đô thị, nhà ở chậm tiến độ
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tăng cường quản lý các dự án khu đô thị, nhà ở trên địa bàn và công khai các dự án vi phạm, chậm tiến độ, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc vừa có báo cáo về 46 dự án trên địa bàn. 46 dự án khu đô thị, nhà ở chậm tiến độ được cập nhật đến hết ngày 29/2.
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thêm chính sách ưu đãi với dự án nhà ở xã hội
Để góp phần xây dựng hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật và xác định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội nhanh hơn, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt thủ tục, cũng như bổ sung hoặc tăng thêm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Tin mới

Luật Đất đai 2024: Bỏ khung giá đất - lành mạnh hóa thị trường đất đai
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.