Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 23/06/2022 16:00 (GMT+7)

Bị cáo Nguyễn Đức Chung được giảm 3 năm tù trong vụ chế phẩm Redoxy-3C

Theo dõi GĐ&PL trên

Theo Luật sư việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho thấy bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, có ý thức làm giảm bớt những thiệt hại đã gây ra. Theo quy định của pháp luật đây là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Chiều 22/6, Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tuyên án sau 2 ngày xét xử. Đáng chú ý, bị cáo Nguyễn Đức Chung được giảm 3 năm tù so với bản án sơ thẩm. Trước đó, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bị tuyên án sơ thẩm 8 năm tù.

Sau khi xem xét các tình tiết về nhân thân, quá trình công tác và việc gia đình bị cáo đã nộp toàn bộ số tiền bị cáo phải bồi thường theo phán quyết của Tòa sơ thẩm là 25 tỉ đồng, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy có căn cứ để giảm một phần hình phạt cho cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 5 năm tù.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử cho rằng toàn bộ thiệt hại của vụ án đã được khắc phục nên Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo, đề nghị của 3 bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án về việc hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản đối với 3 bị cáo và Công ty Arktic theo các Lệnh kê biên tài sản của Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Trong đó, vợ chồng cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được hủy bỏ lệnh kê biên nhà đất diện tích 102,7 m2 tại số 88 phố Trung Liệt, quận Đống Đa; hủy bỏ lệnh kê biên đối với 2 căn hộ cùng có diện tích 175,7 m2 tại một khu chung cư trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.

Nộp thay số tiền bồi thường để khắc phục hậu quả có phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết theo quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự thì bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Việc khắc phục hậu quả có thể do bị cáo tự mình khắc phục hoặc tác động để những người thân trong gia đình khắc phục thay.

Trong vụ án trên, gia đình bị cáo Nguyễn Đức Chung đã nộp toàn bộ số tiền mà bị cáo phải bồi thường theo phán quyết của Tòa sơ thẩm là 25 tỉ đồng. Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho thấy bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, có ý thức làm giảm bớt những thiệt hại đã gây ra đối với xã hội, vì vậy theo quy định của pháp luật đây là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Tòa án cấp phúc thẩm sẽ thận trọng xem xét, đánh giá các chứng cứ buộc tội cũng như chứng cứ gỡ tội để xác định bị cáo có phạm tội hay không, việc kết tội của Tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ hay không? Trường hợp Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định việc kết tội bị cáo là có căn cứ thì sẽ xem xét đến tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt cho phù hợp. 

Bản án sơ thẩm chỉ có thể thay đổi nếu kháng cáo của bị cáo được chấp nhận hoặc có những tình tiết mới có ý nghĩa trong việc quyết định đến tội danh và hình phạt. 

Trường hợp khi xem xét các yếu tố liên quan đến việc định tội và căn cứ quyết định hình phạt mà thấy cấp sơ thẩm đã giải quyết đầy đủ, đúng pháp luật, tại cấp phúc thẩm bị cáo vẫn không thành khẩn khai báo, không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, việc bồi thường khắc phục hậu quả là do người thân trong gia đình tự nguyện bồi thường mà bị cáo không biết, cũng không đồng ý đối với việc bồi thường thì Tòa án có thể giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm.

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Tuyên án người đàn ông đổ xăng đốt 'vợ hờ'
Ngày 16/4, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt Phan Văn Ty (SN 1975, trú xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) 13 năm tù giam về tội “Giết người” và 9 tháng tù giam về tội "Hủy hoại tài sản”.
Truy tố bị can Trịnh Văn Quyết cùng các đồng phạm
Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) và 49 bị can khác về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".
Đề nghị truy tố cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam
Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM, và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Tin mới

Nam Em có hành động khó hiểu khi livestream bán hàng
Nam Em là cái tên được nhắc đến khá nhiều thời gian qua, nguyên nhân xuất phát từ những ồn ào vạ miệng của cô nàng. Mới đây, quay trở lại mạng xã hội livestream bán hàng, Nam Em lại có hành động khó hiểu khiến nhiều người phải bàn tán.
Sẽ xem xét xóa bỏ độc quyền vàng miếng
Trong tờ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành đánh giá Nghị định này đã hoàn thành nhiệm vụ kể từ khi được ban hành. Tuy nhiên, trước những thay đổi của thị trường, Nghị định 24/2012/NĐ-CP cũng cần thay đổi để phù hợp. Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Đào Xuân Tuấn cho biết, một trong những nội dung được đề xuất trong dự thảo sửa đổi là xem xét xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và có thêm nhiều thương hiệu vàng khác.