Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ năm, 14/03/2024 10:27 (GMT+7)

Bệnh viện TP HCM quá tải vì dự án chậm tiến độ

Theo dõi GĐ&PL trên

Công trình xây dựng khối nhà mới thi công kéo dài khiến cho hoạt động khám, chữa bệnh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh) gặp nhiều khó khăn.

tm-img-alt

Nhiều năm qua, đội ngũ y bác sỹ và người bệnh đến khám, chữa bệnh tại đây gặp không ít trở lại do cơ sở vật chất chật hẹp, tạm bợ. Điều đáng nói, dù đã “lỗi hẹn” nhiều lần, nhưng đến nay, công trình xây dựng khối nhà mới vẫn chưa biết bao giờ “về đích”.

Đầu tháng 3/2024, trong cái nắng đầu mùa oi ả, khuôn viên của Bệnh viện Nhân dân Gia Định Thành phố Hồ Chí Minh vốn đã chật hẹp lại càng trở nên ngột ngạt hơn. Ngồi chờ đến lượt khám bên cạnh nhiều bệnh nhân khác, bà Lê Thị Minh (65 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, cứ 2 tuần một lần, bà phải đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định tái khám bệnh tiểu đường, tăng huyết áp.

Mấy năm gần đây, do Bệnh viện đang xây dựng nên các khu vực khám bệnh đều thu hẹp, bà và nhiều người bệnh khác phải xếp hàng chờ rất lâu trong cảnh chật chội. “Khu khám bệnh thì nhỏ mà bệnh nhân lại đông nên chúng tôi hầu như đều phải chen chúc nhau, nhiều khi không có ghế để ngồi chờ, phải đứng rất mệt mỏi. Những hôm thời tiết nắng nóng, chúng tôi càng ngột ngạt, mệt mỏi hơn”, bà Minh cho biết.

Tiến sỹ, bác sỹ Võ Hồng Minh Công, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định thừa nhận, tình trạng người dân phải đến khám, chữa bệnh trong điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, tạm bợ đã diễn ra tại đây 4 năm qua. Từ năm 2020 đến nay, khi công trình xây dựng khu nhà điều trị nội trú được khởi công, Bệnh viện buộc phải phá dỡ một phần các khoa, phòng để lấy mặt bằng cho việc xây dựng.

Các khoa, phòng đều bị thu hẹp đáng kể. Cảnh chật chội, đông đúc luôn diễn ra tại khu khám ngoại trú, còn trong các phòng nội trú, có những thời điểm bệnh nhân phải nằm hành lang. “Điều kiện cơ sở hạ tầng của Bệnh viện chật chội nên luôn trong tình trạng quá tải, những lúc thời tiết nóng bức, cả bệnh nhân và nhân viên y tế đều rất mệt mỏi”, bác sỹ Công chia sẻ.

Theo bác sỹ Công, Bệnh viện đã cố gắng tận dụng các diện tích trống trong khuôn viên để lập phòng khám, phòng bệnh, kê chèn thêm giường bệnh phục vụ cho việc khám, chữa bệnh. “Sân bệnh viện cũng được tận dụng làm nhà kho, toàn bộ phòng nghỉ của nhân viên cũng đều biến thành phòng bệnh. Suốt 4 năm qua, nhân viên y tế của Bệnh viện không có phòng nghỉ, toàn bộ đều nhường cho người bệnh”, bác sỹ Công nói.

Bệnh viện cũng tổ chức khám xuyên trưa, kéo dài thời gian khám bệnh từ 6 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút mỗi ngày; triển khai khám bệnh cả sáng thứ Bảy và sáng Chủ nhật ở tất cả khoa, phòng. Mặc dù vậy, do những hạn chế về cơ sở vật chất, quy mô của Bệnh viện cũng đã giảm gần một nửa so với trước đây. Hiện, mỗi ngày Bệnh viện điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân nội trú, khám cho hơn 4.000 bệnh nhân ngoại trú.

Hơn nửa năm nay, lãnh đạo Bệnh viện đã kiến nghị Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho mượn tạm dãy nhà B của Bệnh viện Ung bướu bên cạnh để phục vụ nhu cầu khám và điều trị cho người bệnh (do Bệnh viện Ung bướu đã chuyển hoạt động khám, chữa bệnh sang cơ sở 2 ở thành phố Thủ Đức).

Để thuận lợi cho người bệnh và nhân viên y tế, bức tường ngăn cách giữa hai bệnh viện đã được phá bỏ để tạo thành lối đi thông nhau. Hiện, Bệnh viện Nhân dân Gia Định sử dụng khối nhà 4 tầng của Bệnh viện Ung bướu để triển khai các hoạt động như phẫu thuật, hồi sức ngoại, ngoại thận, ngoại lồng ngực - mạch máu, cơ xương khớp, y học cổ truyền…

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đây chỉ là những giải pháp “chữa cháy”, không thể khắc phục được tình trạng quá tải này. Do đó, lãnh đạo Bệnh viện kiến nghị Sở Y tế và Sở Xây dựng đẩy mạnh giám sát tiến độ thi công của công trình xây dựng khu điều trị nội trú; đồng thời yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm bàn giao công trình, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Được biết, Dự án xây mới khu nội trú của Bệnh viện Nhân dân Gia Định được khởi công từ tháng 3/2020, quy mô 2 tòa nhà 15 tầng, từ nguồn vốn ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và vốn vay, với tổng số tiền đầu tư hơn 600 tỷ đồng. Dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Thành Đô thi công. Theo kế hoạch, Dự án sẽ đưa vào sử dụng sau 2 năm, tuy nhiên, dù đã 4 năm trôi qua, công trình vẫn chưa hoàn thành.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đề xuất bệnh viện hạng I có thêm 02 năm để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.