2020 đầy biến động: Mưa đá ngay Mùng 1 Tết, hạn mặn lịch sử, gần 10 cơn bão, lũ chồng lũ miền Trung
Năm 2020 dần qua đi, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng từ những biến động thời tiết cực đoan. Mở đầu bằng những cơn mưa 'bất thường' vào mùng 1 Tết, hạn mặn lịch sử ở miền Tây, gần 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, lũ chồng lũ, lụt chồng lụt.
Mưa đá Miền Bắc ngay mùng 1 Tết Canh Tý 2020
Trong ngày 24/1 và sáng 25/1/2020, tức 30 Âm lịch và mùng 1 Tết Canh Tý, tại nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội đã xuất hiện mưa vừa, mưa rào, thậm chí mưa đá. Lượng mưa từ các trạm đo cho thấy tại Hà Nội, mức lớn nhất khoảng 79,8mm.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ Văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên xảy ra sự tranh chấp mạnh mẽ giữa khối không khí nóng và không khí lạnh, dẫn đến nhiễu loạn không khí gây ra mưa dông. Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên... còn xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan là mưa đá.
Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trước mỗi đợt không khí lạnh thường gây mưa, mưa rào, còn ở khu vực nào có mây đối lưu mạnh thì có mưa to thậm chí mưa đá.
Tháng 2-3: Nắng nóng, hạn mặn khắc nghiệt hơn năm 2016
Tháng 2/2020, hạn, mặn diễn ra gay gắt khiến một diện tích lớn vùng lúa, rau màu, thủy sản của 7 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các địa phương lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016.
Nguyên nhân không chỉ do do thời tiết cực đoan El Nino, mưa ít, đầu nguồn sông Mekong thiếu nước trầm trọng. Mà cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, con người đã tác động tài nguyên nước xuyên biên giới, những bất cập nội, ngoại vùng ĐBSCL làm phá vỡ mối quan hệ sông-biển.
Tháng 4: Miền Bắc đón không khí lạnh giữa mùa hè
Các tỉnh Miền Bắc chịu ảnh hưởng của 3-4 đợt không khí lạnh, gây mưa rào và dông. Nhiệt độ Hà Nội giảm xuống 16,5 độ, ghi nhận vào ngày 24/4, thấp nhất trong 50 năm trở lại đây. Trong khi đó, các tỉnh miền Nam ít mưa, khô hạn và xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt. Nắng nóng xảy ra ở Tây Bắc Bộ, Bắc, Bắc Trung Bộ.
Tháng 5-6-7-8: Mức nắng nóng nhiều nơi phá kỷ lục 41 độ C
Đầu tháng 5, Hà Nội hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt hơn 41 độ C, nhiều nơi có chỉ số tia UV đạt mức gây hại. Lý giải điều này, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển mạnh và mở rộng về phía Đông Nam kết hợp với hiệu ứng phơn nên Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt.
Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, cục bộ ở Nam Trung Bộ, đầu tháng 5, nắng nóng xảy ra với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.
Đặc biệt, theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc ngày 21/5/2020 đã lên tới 789,6 triệu kWh. Đây không chỉ là mức cao nhất từ đầu năm 2020 mà còn cao hơn cả ngày tiêu thụ điện lớn nhất của năm 2019 và cũng là mức cao kỷ lục mới.
Tháng 9-10-11: 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới liên tiếp đổ xuống miền Trung
Lũ lụt miền Trung trong năm 2020, hay còn được gọi là lũ chồng lũ, lũ lịch sử, bắt đầu từ đêm ngày 6, rạng sáng ngày 7/10/2020, kéo dài đến đầu tháng 12/2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế của Bắc Trung Bộ , một phần Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên.
Đợt lũ thứ nhất từ 6 đến 13/10, các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ hư hỏng cơ sở vật chất, hạ tầng cho đến thiệt hại người và của, tác động xấu tới đời sống của người dân.
Trong thời gian này, cơn bão số 6 có tên Linfa, đổ bộ đất liền tỉnh Quảng Ngãi ngày 11/10. Cũng trong giai đoạn này, miền Trung tiếp tục đón nhận ba đợt áp thấp nhiệt đới, lũ lụt kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới địa phương toàn khu vực.
Ngày 12/10, áp thấp nhiệt đới thứ hai chính thức trở thành bão số 7 có tên quốc tế là Nangka. Ngày 14/10, bão vào vịnh Bắc Bộ, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đổ bộ vào đất liền tỉnh Ninh Bình gây gió mạnh cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ và gây mưa khắp Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Chênh lệch thời gian ngắn, gần như cùng thời điểm sau khi bão Nangka đi vào phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, một áp thấp nhiệt đới khác (có tên là Ofel) di chuyển từ miền Trung Philippines, tiến về hướng Tây, vào Biển Đông với xu hướng mạnh lên thành bão mới. Tuy nhiên, áp thấp nhiệt đới thứ ba này không mạnh lên thành bão như dự kiến ban đầu, di chuyển nhanh và đến chiều ngày 16/10 đã đi vào vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi.
Đây cũng chính là thời điểm đợt lũ thứ 2, miền Trung không ngừng tiếp nhận các đợt mưa lớn, đợt lũ lụt kéo dài. Một số vùng miền Trung có mực nước vượt qua lịch sử năm 1979, 1999, xác lập kỷ lục mới về thiên tai bão lụt.
Đợt lũ thứ ba từ ngày 25 tháng 10, với hai cơn bão đổ bộ, đặc biệt cuồng phong nghiêm trọng của bão Molave ngày 28, 29 gây tổn thất vô cùng lớn.
Khi đó, ngoài Biển Đông, áp thấp nhiệt đới thứ năm chuyển thành bão số 8 có tên Saudel, ngày 25/10 đi vào vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đêm cùng ngày tiếp tục suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp trên khu vực ven biển tỉnh Quảng Bình, đi vào đất liền và tan dần. Do suy yếu nhanh, lượng mưa của bão không lớn và tập trung tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế ở khoảng 20-50 mm.
Ngay khi bão Saudel đang tiến về khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, ngày 25/10, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão Molave - cơn bão số 9 và nhanh chóng mạnh lên cấp 12. 12h trưa 28/10, bão số 9 đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Ngãi, với sức gió mạnh nhất cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15. Tối và đêm ngày 28, Molave đã đi qua miền Trung và Bắc Tây Nguyên , suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiến sang Lào.
Do mưa lớn cùng với việc hàng loạt thủy điện miền Trung xả lũ sau bão, từ đêm 28 đến ngày 29/10, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Ngãi lên trở lại. Nhiều khu vực của Nghệ An đã ngập sâu trong nước, các huyện và cả thành phố Vinh, nước lũ gây chia cắt, giao thông tê liệt, nhiều nơi bị cô lập.
Tiếp nối là đợt lũ thứ tư từ ngày 6 tháng 11, gây biến động toàn miền Trung, đặc biệt chuyển vị trí về phía Nam Trung Bộ.
Đêm 1/11, bão Goni đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 10. Từ đêm 4 đến ngày 7/11, bão gây mưa cho miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, với lượng phổ biến từ 100 đến 350 milimét. Ngày 5/11, khi đi vào vùng biển từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, bão số 10 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến sáng ngày 6, khi tiến sát bờ biển tỉnh Bình Định, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 10 nên các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150 – 300 mm. Từ ngày 4-7/11, trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Bình Định đã xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 1-5m; đỉnh lũ trên sông Thu Bồn tại trạm Nông Sơn, sông Vệ tại trạm Sông Vệ ở mức báo động III và trên báo động III 0,46m; các sông khác ở mức báo động II-III.
Sau đó, một áp thấp nhiệt đới nhanh chóng hình thành ngoài khơi Philippines và đi vào Biển Đông, mạnh lên thành bão số 12 có tên Etau và tiến về vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận.
Ngày 10/11, bão số 12 đổ bộ vào đất liền tỉnh Khánh Hòa, gây gió giật mạnh từ cấp 6 đến cấp 9 cho các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa. Phía Đông của Đắk Lắk đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 – 350 mm. Do mưa lớn, nước lũ trên các sông ở Trung Bộ lên trở lại.
Giai đoạn từ ngày 12/11, khi mực nước ngập lụt ở miền Trung trong xu hướng giảm tốc độ chậm, ngoài Biển Đông xuất hiện cơn bão số 13 có tên tiếng Việt là Vàm Cỏ. Chiều 15/11, cơn bão đổ bộ vào Quảng Bình, gây mưa lớn cho các tỉnh Trung Bộ lượng 100-200mm trong các ngày 14, 15/11 ở Bắc và Trung Trung Bộ.
Đến ngày 16/11, mực nước các sông Bắc và Trung Trung Bộ hiện đã xuống dưới mức báo động 1, kết thúc đợt mưa lũ tạm thời.
Lũ lụt miền Trung 2020 được xem là một đợt lũ lụt lịch sử mới, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và tác động gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực.
Tháng 12: Dự báo có những đợt rét đậm rét hại các tỉnh miền Bắc
Mùa đông năm 2020 đã bắt đầu bởi những đợt không khí lạnh với cường độ tăng dần. Ngày 15/12, Bắc Bộ chính thức đón đợt không khí lạnh rất mạnh, khiến nền nhiệt giảm sâu. Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại với nhiệt độ thấp nhất 11-14 độ, vùng núi 8-11 độ, vùng núi cao dưới 5 độ và có khả năng xảy ra băng giá.
Trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Lào Cai. Đặc biệt, 6h sáng 15/12, kết quả quan trắc cho thấy Mẫu Sơn (Lạng Sơn) ghi nhận mức nhiệt 3,2 độ C, thấp nhất miền Bắc. Tại Trùng Khánh (Cao Bằng) là 7.5 độ C, tại Đồng Văn (Hà Giang) là 9.0 độ C. Khu vực Hà Nội trời có mưa, rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ.
Theo đánh giá, nền nhiệt trung bình mùa đông năm 2020-2021 có xu hướng thấp hơn so mùa đông năm 2019-2020.