Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Chủ nhật, 18/02/2024 16:02 (GMT+7)

10 sự kiện chính trị - pháp lý Việt Nam nổi bật năm 2023

Theo dõi GĐ&PL trên

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII giữa nhiệm kỳ; nâng cao chất lượng công tác lập pháp; hoạt động đối ngoại nâng tầm vị thế Việt Nam; xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn;… là những sự kiện chính trị - pháp lý nổi bật năm 2023 do Tạp chí Luật sư Việt Nam bình chọn.

10 sự kiện chính trị - pháp lý Việt Nam nổi bật năm 2023
Ảnh minh họa.

1. Hội nghị giữa nhiệm kỳ Trung ương Đảng khóa XIII và triển khai lấy phiếu tín nhiệm trong hệ thống chính trị

Từ ngày 15/5/2023 đến ngày 17/5/2023, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị giữa nhiệm kỳ. Hội nghị đánh giá, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026, đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực,… Trong đó, những vấn đề được cộng đồng xã hội hết sức quan tâm là việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ theo quy định.

Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã cập nhật tình hình, thể hiện sự đồng bộ, liên thông với các quy định khác của Đảng về công tác cán bộ. Quy định số 96-QĐ/TW trở thành một thước đo quan trọng đánh giá năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là một trong những thay đổi quyết liệt trong công tác đánh giá cán bộ của Đảng.

2. Tập trung triển khai tthực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Một trong những mục tiêu cụ thể được Nghị quyết đề ra là đến năm 2030 hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán…

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Trên cơ sở đó, bám sát vào nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kế hoạch số 11-KH/ TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức, đơn vị có liên quan đã xây dựng, ban hành chương trình hành động thuộc phạm vi quản lý của mình, cụ thể hóa trong kế hoạch công tác hàng năm; bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả những nội dung liên quan trong Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của bộ, ngành.

3. Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị ban hành quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Quy định này áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (gọi chung là cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền) trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Với 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án được quy định trong Quy định này đã không loại trừ bất kỳ phân vùng nào, liên quan từ cấp lãnh đạo chỉ huy đến cả những hành vi của các nhân viên cấp thấp nhất đều được đặt ra, được dư luận kỳ vọng sẽ có một làn sóng mới cho hoạt động tố tụng, là cơ sở cho các cơ quan chức năng, cũng như đương sự, hay những người tham gia tiến hành tố tụng... đấu tranh với các hành vi vi phạm.

4. Quốc hội khóa XV tổ chức thành công 5 kỳ họp

Trong đó có 3 kỳ họp bất thường nhằm xem xét, quyết định kịp thời 84 vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, bao gồm cả việc hoàn thiện chức danh lãnh đạo cấp cao. Ngày 02/3/2023 đã diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 4 Quốc hội khóa XV. Với 487/488 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Ông Võ Văn Thưởng là Chủ tịch nước trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam khi nhậm chức ở tuổi 52.

5. Nâng cao chất lượng công tác lập pháp, đổi mới hoạt động giảm sát của Quốc hội

Trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua 16 luật, 34 nghị quyết và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Qua đó tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách, tháo gỡ những vướng mắc, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc chưa thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi cho thấy sự thận trọng và trách nhiệm của Quốc hội trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với một vấn đề lớn, có tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực trong xã hội. Dự án Luật Đất đai sửa đổi đã được đưa ra lấy ý kiến toàn dân với 12 triệu lượt ý kiến góp ý.

Lần đầu tiên, Quốc hội tổ chức thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và thảo luận báo cáo kết quả giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Quốc hội không chỉ thực hiện chuyên đề giám sát tối cao đối với những vấn đề đã thực hiện, có kết quả, mà còn giám sát các vấn đề đang được triển khai trên thực tiễn, như chuyên đề giám sát tối cao 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giúp Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện các chương trình.

6. Nâng tầm hoạt động đối ngoại của Việt Nam

Hiếm có năm nào hoạt động đối ngoại được tiến hành ở cấp cao dày đặc như năm 2023. Các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đã thực hiện 45 chuyến công du nước ngoài, đón gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trải rộng trên tất cả đối tác, các nước láng giềng, nước lớn, bạn bè truyền thống, những khu vực mà Việt Nam có quan hệ lâu nay, đồng thời đạt được bước đột phá sang cả khu vực mới như Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin. Đặc biệt, hai chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và đánh dấu việc nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước, gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đảm nhận nhiều trọng trách quốc tế, đã tích cực tham gia đóng góp sáng kiến tại các tổ chức khu vực và quốc tế; thể hiện vai trò, trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

7. Hội nghị triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội và tổng rà soát các văn bản pháp luật

Ngày 06/9/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Hội nghị này lần đầu diễn ra, có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội.

Cũng trong năm, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung rà soát văn bản quy phạm pháp luật ở 22 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách Nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và các lĩnh vực khác. Kết quả rà soát 523 văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị định, quyết định của Thủ tướng và thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã khẳng định hệ thống pháp luật nói chung cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.

8. Kịp thời kiểm soát vụ tấn công khủng bố tại Đắk Lắk

Ngày 11/6/2023, một nhóm khủng bố có vũ trang đồng loạt tấn công 2 trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk. Vụ khủng bố làm 9 người thiệt mạng, nhiều tài sản bị đốt phá. Với tinh thần cảnh giác cao độ và quyết tâm trấn áp tội phạm, các lực lượng chức năng đã kiểm soát vụ việc trong vòng 24 giờ, mang lại bình yên cho nhân dân.

Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố, bắt tạm giam 91 bị can về các tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Không tố giác tội phạm”, “Che giấu tội phạm” và “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”. Cơ quan công an cũng đã thu thập được các tài liệu, chứng cứ chứng minh vụ án xảy ra còn do có sự hậu thuẫn, chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thậm chí cử đối tượng từ nước ngoài xâm nhập trái phép về Việt Nam để dàn dựng, chỉ đạo vụ tấn công khủng bố.

9. Đột phá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khủng hoảng đăng kiểm

Năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được những kết quả to lớn. Với phương châm “không có vùng cấm”, không loại trừ một ai, bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn, nổi bật, thu hút sự chú ý và nhận được sự đồng tình của dư luận. Điển hình như các vụ việc: sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm; phanh phui vụ án liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị khác; kết thúc điều tra vụ án Chủ tịch Tân Hoàng Minh, cựu Chủ tịch FLC; xét xử các cáo trong vụ Công ty Việt Á “thổi giá” kit test; xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đại án “Chuyến bay giải cứu”; tòa án các cấp đã đưa các vụ án liên quan Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và một số đơn vị liên quan ra xét xử.

Đặc biệt, vụ án Vạn Thịnh Phát được coi là một kỷ lục với cáo buộc về hàng loạt hành vi vi phạm như lập hơn 1.000 công ty “ma” trong và ngoài nước, gần 90 bị can là cựu lãnh đạo cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp. Số tiền bị chiếm đoạt trong vụ án này hơn 1 triệu tỷ đồng, lớn gấp 3 lần tổng mức đầu tư “siêu dự án” sân bay Long Thành và gấp 7 lần tổng vốn đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc Nam.

Bên cạnh đó, ngành đăng kiểm đối mặt với khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử 30 năm hoạt động. Đỉnh điểm tháng 3/2023, cả nước có 62 trong tổng số 281 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa khi công an mở rộng điều tra sai phạm. Hệ thống thống kiểm định đứt gãy, ôtô phải xếp hàng dài 2-3 km trước các trạm đăng kiểm tại nhiều tỉnh thành. Hàng nghìn doanh nghiệp đình trệ sản xuất vì xe vận tải chở hàng hóa phải nằm bãi, không thể đăng kiểm. Tình trạng tắc nghẽn tại các trung tâm đăng kiểm đã xảy ra gây khốn đốn cho các chủ phương tiện; nhiều thời điểm làm tê liệt hoạt động sản xuất và kinh doanh vận tải; khiến đảo lộn nhiều hoạt động đi lại, sinh hoạt và đời sống của người dân.

Toàn lực lượng đăng kiểm giao thông, công an, quân đội phải tăng ca, thêm giờ. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tổng số đăng kiểm viên trước khi xảy ra khủng hoảng là 2014 người, nhưng tính đến tháng 12/2013 đã có khoảng 700 đăng kiểm viên tại các trung tâm đăng kiểm bị khởi tố, trên 120 đăng kiểm viên tự ý bỏ việc.

10. Tổng kết Luật Luật sư

Sau 15 năm triển khai và thi hành Luật Luật sư, ngày 26/12/2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Luật sư. Báo cáo tại Hội nghị cho biết, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, ban ngành ở Trung ương, cấp ủy đảng, chính quyền ở địa phương và xã hội về vị trí, vai trò của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó tạo nền tảng thúc đẩy hoạt động luật sư phát triển, đồng thời đã xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế, nâng cao trách nhiệm của luật sư đối với xã hội, trên cơ sở pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Nếu năm 2007, số lượng luật sư hành nghề thực tế là 4.161 luật sư với 1.323 tổ chức hành nghề luật sư thì đến ngày 31/12/2022 đã tăng lên 17.284 luật sư với 5.429 tổ chức hành nghề luật sư (tính đến 31/12/2023, số lượng luật sư cả nước đã vượt qua 18.000 luật sư). Theo báo cáo chưa đầy đủ, trong 15 năm qua (2007 - 2022), các luật sư đã tham gia 1.429.540 vụ, việc (trong đó có 298.082 vụ việc tố tụng, 892.130 việc tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác, 239.328 vụ việc trợ giúp pháp lý); tổng doanh thu của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đạt hơn 21.000 tỷ đồng, đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước gần 3.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Cùng chuyên mục

Chính phủ đề xuất giảm tiếp 2% VAT đến hết năm 2024
Chính phủ vừa có Tờ trình số 177/TTr-CP gửi Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tin mới

Vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai: Tạm giữ giám đốc công ty và tạm hoãn xuất cảnh với 7 người nước ngoài
Liên quan đến vụ nổ lò hơi xảy ra hôm 1/5, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã ra lệnh tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Feng Yong (quốc tịch Trung Quốc), Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh và tạm hoãn xuất cảnh đối với
Bộ TN&MT đã hoàn thành các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024
Trả lời báo giới về tiến độ để chuẩn bị cho Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 01/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân cho biết, Bộ này đã hoàn thành dự thảo 6 Nghị định và 4 Thông tư. Bộ Tư pháp đã thẩm định, dự kiến trước ngày 10/5, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ các Nghị định hướng dẫn thi hành.