Hotline: 0942 368 555 Email: [email protected]
Thứ hai, 11/09/2023 13:33 (GMT+7)

Sử dụng dịch vụ đẻ không đau, nhiều sản phụ than thở phí tiền, người lại ca ngợi đúng là chân ái

Theo dõi GĐ&PL trên

Với những mẹ bầu đi đẻ có lẽ đã quá quen thuộc với phương pháp đẻ không đau - gây tê ngoài màng cứng vì giúp họ vượt cạn không phải vật lộn với cơn đau.

Thực tế lúc mẹ bầu sắp chuyển dạ sẽ phải đối mặt với quá trình mở ra của tử cung để đưa thai nhi ra ngoài. Khi đối mặt với quá trình này, sản phụ sẽ phải chịu nhiều đau đớn. Đặc biệt, nỗi đau khi vượt cạn từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ, nhất là những chị em sinh con lần đầu chưa có kinh nghiệm.

Tuy nhiên hiện nay, việc sinh thường của các sản phụ đã trở nên dễ dàng hơn nhờ phương pháp “đẻ không đau” hay còn gọi là gây tê ngoài màng cứng. Bên cạnh một số sản phụ hết lời ca ngợi phương pháp này và cho đó là “chân ái” vì giúp vượt cạn nhẹ nhàng, thoải mái, vẫn có nhiều mẹ bỉm lại cho rằng chỉ lãng phí tiền trong khi đau vẫn hoàn đau.

Trải nghiệm trái chiều này khiến nhiều mẹ bầu sắp đến ngày đi đẻ rất băn khoăn không biết có nên sử dụng dịch vụ gây tê ngoài màng cứng khi vượt cạn hay không?

Sử dụng dịch vụ “đẻ không đau”, nhiều sản phụ than thở phí tiền, người lại ca ngợi “đúng là chân ái” - 1
Để giảm đau trong và sau đẻ, nhiều mẹ bầu khi vượt cạn quyết định gây tê ngoài màng cứng. (Ảnh minh họa)

Nhiều mẹ bỉm than “phí tiền” khi gây tê ngoài màng cứng

Chị Vũ Thị Loan (Hà Nội) vừa trải qua lần vượt cạn đầu tiên của mình bằng phương pháp sinh thường và có sử dụng dịch vụ đẻ không đau. Mẹ bỉm này cho biết, đẻ không đau thực chất là thủ thuật gây tê ngoài màng cứng. Thấy mẹ bầu nào khi nhập viện đi đẻ cũng yêu cầu bác sĩ thực hiện trong quá trình chuyển dạ nên chị tưởng cũng có nhiều tác dụng và cũng đăng ký sử dụng dịch vụ này.

“Sau khi thực hiện gây tê ngoài màng cứng mẹ sẽ mất cảm giác đau từ bụng đến hai chân nhưng hoàn toàn tỉnh táo, hai chân vẫn cử động bình thường, vẫn có thể nhận biết khi có cơn co tử cung và nhất là vẫn có thể rặn đẻ bình thường”, chị Loan chia sẻ.

Sau khi trải nghiệm, bản thân chị Loan cho biết sẽ không bao giờ yêu cầu dùng lần thứ 2 nữa. Bởi chị vẫn cảm giác đau đẻ, đau vết rạch tầng sinh môn và dạ con như bình thường. Đặc biệt sau sinh chị Loan còn phải chịu nhiều tác dụng phụ khác như tê bì tay chân, đau đầu, đau lưng…

“Không biết các mẹ bỉm khác khi đi đẻ dùng dịch vụ này thấy sao còn mình vẫn thấy đau như thường. Đó là trải nghiệm của mình nên thấy quá phí 3 triệu. Lần sau đi đẻ mình sẽ không bao giờ sử dụng vì thấy phí tiền quá”, chị Loan khẳng định.

Là một sản phụ từng sinh mổ 3 lần đều sử dụng dịch vụ gây tê ngoài màng cứng để giảm đau sau sinh nên chị Quỳnh Nga (Hà Nội) cũng thấy sử dụng dịch vụ này không có nhiều tác dụng như lời đồn thổi. Thậm chí đến hôm thứ 2 sau sinh chị đã cảm thấy đau gẫy lưng.

“2-3 ngày ở viện sau sinh thì đỡ đau, nhàn cho bác sĩ và điều dưỡng thôi. Hết 3 ngày về nhà đau chết đi sống lại phải dùng đến bảo bối khác. Vì thế lần sinh mổ thứ 4 này mình không sử dụng dịch vụ đó, chỉ chọn viên nhét hậu môn giảm đau thấy êm hơn nhiều mà đỡ tốn 3 triệu mặc dù chỉ có tác dụng tầm 4-5 tiếng, đau lại phải đút”, chị Quỳnh Anh nhận định.

Mẹ bỉm này cũng cho biết, không chỉ có bản thân chị sau sinh thấy vậy mà còn thấy nhiều sản phụ khác trong phòng dù sử dụng dịch vụ gây tê ngoài màng cứng để giảm đau nhưng họ vẫn thấy đau đớn như thường.

Người khen gây tê ngoài màng cứng giảm đau sau sinh đúng là “chân ái”

Nếu như nhiều chị em thừa nhận sử dụng phương pháp này phí tiền và còn phải chịu thêm nhiều tác dụng phụ khác nữa thì chị Trang, 28 tuổi ở Cầu Giấy lại ca ngợi dịch vụ này đúng là “là phát minh của thời đại”.

Chị Trang sinh mổ chủ động và cũng sử dụng dịch vụ gây tê ngoài màng cứng thì thấy đi đẻ như không và chẳng gặp bất cứ đau đớn nào: “Ngày thứ 2 sau sinh em đã đi phăng phăng, ngày 3 đi thẳng lưng không khúm núm gì. Nói chung em thấy đi đẻ mà khỏe re và thấy phương pháp này đúng kiểu là phát minh của thời đại. Thật sự không dùng dịch vụ này chắc em chết luôn vì chịu đau kém”.

Đồng tình với chị Trang, mẹ bỉm Phùng Thủy ở Gia Lâm cũng cho biết dù mới sinh con “tập 1” và cũng sử dụng gây tê ngoài màng cứng để giảm đau, chị thấy đúng là “chân ái” vì quyết định đúng đắn.

“Mình thấy đúng là chân ái, tiêm vào không có cảm giác gì, đẻ xong hôm sau đi lại đứng thẳng lưng bình thường. Do giảm đau hiệu quả nên mấy ngày ở viện không biết đau là gì. Cả phòng mọi người gần như dùng dịch vụ này nên ngủ được, 1-2 chị dùng thì kêu vẫn hơi đau. Có 1 chị chỉ sử dụng viên đút hậu môn thì đau đớn khóc lên khóc xuống. Chắc do cơ địa mỗi người khác nhau nên một số chị em bị đau như vậy”, chị Trang nói.

Sử dụng dịch vụ “đẻ không đau”, nhiều sản phụ than thở phí tiền, người lại ca ngợi “đúng là chân ái” - 2
Sử dụng gây tê ngoài màng cứng để giảm đau, nhiều sản phụ thấy đúng là “chân ái” vì quyết định đúng đắn. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ sản khoa nói gì về phương pháp gây tê ngoài màng cứng?

ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết phương pháp giảm đau trong và sau đẻ vừa hiệu quả, vừa an toàn với sản phụ, thai nhi. Đặc biệt, nhiều người e ngại việc gây tê ngoài màng cứng khi sinh vì sợ bị đau lưng về sau này cũng là suy nghĩ sai lầm.

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật giảm đau được sử dụng phổ biến hiện nay giúp giảm cơn đau khi chuyển dạ cho các mẹ bầu. Để thực hiện, các bác sĩ sẽ đặt một ống thông rất nhỏ vào khoang ngoài màng cứng ở vị trí ngang thắt lưng. Ống thông này sẽ được lưu lại để cung cấp thuốc tê có nồng độ thấp trong suốt quá trình chuyển dạ giúp giảm thiểu cảm giác đau đớn mà vẫn duy trì mọi vận động của sản phụ một cách bình thường.

Chỉ sau 10 - 20 phút gây tê ngoài màng cứng, thuốc tê bắt đầu có tác dụng giảm đau cho sản phụ. Sau khi được gây tê sản phụ sẽ cảm thấy ít đau hoặc không hề đau. Từ đó giúp hệ thống cơ sàn chậu mềm, sản phụ thấy thoải mái thư giãn hơn mà vượt cạn thuận lợi.

Việc áp dụng biện pháp giảm đau khi sinh không chỉ làm cho mẹ bầu giảm cảm giác đau khi chuyển dạ mà còn giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau cuộc vượt cạn.

Thực tế những tác dụng phụ có thể xảy ra khi gây tê ngoài màng cứng đó là sản phụ có thể cảm thấy một chút khó chịu tạm thời do giảm huyết áp, đôi khi có thể lạnh run, ngứa, tê chân, hai chân hơi nặng hoặc khó khăn khi nhấc chân lên. Cũng có khi sản phụ có thể cảm thấy khó khăn một chút khi tiểu và có thể phải đặt ống thông tiểu...

Chia sẻ về việc gây tê ngoài màng cứng nhiều sản phụ vẫn cảm thấy đau sau sinh, bác sĩ Thành khẳng định khi thực hiện gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ sẽ thao tác ở vị trí vùng lưng của sản phụ. Vì vậy, nhiều sản phụ sẽ nghĩ rằng gây tê ngoài màng cứng có thể gây đau lưng sau sinh. Thực tế, đau lưng do gây tê ngoài màng cứng tương đối ít gặp, nếu có sẽ tự hết trong 2-3 ngày sau đó.

Một số trường hợp sản phụ có bệnh lý về cột sống nếu gây tê ngoài màng cứng sẽ có nguy cơ bị đau lưng nhiều hơn. Triệu chứng đau lưng sẽ biến mất trong vài ngày, việc gây tê ngoài màng cứng không gây ra đau lưng lâu dài hay mạn tính.

Hơn 50% những sản phụ sau khi sinh bị đau lưng dù có gây tê ngoài màng cứng hay không có thể do nhiều nguyên nhân khác như giãn các dây chằng vùng cột sống thắt lưng, biến đổi cột sống khi mang thai hoặc do các tư thế sinh hoạt khi mang thai,… Do đó sản phụ cần cân nhắc các ích lợi của gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ khi được các bác sĩ chỉ định thực hiện thủ thuật này.

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Đột kích” Vincom săn deal khủng, rinh quà đỉnh dịp Black Friday
Ngày hội mua sắm Black Friday đang bước vào cao điểm. Đây chính là cơ hội vàng để các tín đồ mua sắm thỏa sức săn deal “đỉnh nóc kịch trần” với những chương trình khuyến mãi hấp dẫn từ hơn 2.800 gian hàng trên khắp 88 trung tâm thương mại (TTTM) Vincom, đặc biệt là trong các ngày từ 29/11 - 1/12.
Thực hư về tin đồn “Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu lừa đảo?"
Tin đồn "Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu lừa đảo?" là mối quan tâm của nhiều người khi cân nhắc lựa chọn cơ sở này để thăm khám và điều trị bệnh. Những tin đồn về chất lượng dịch vụ hoặc sự uy tín của Hoàn Cầu khiến không ít bệnh nhân lo ngại. Để giúp bạn đọc có cái nhìn rõ ràng hơn, hãy cùng xem qua các thông tin và phân tích chi tiết về phòng khám này.