Cán bộ đi đánh golf, coi bánh mỳ không thiết yếu là 'bệnh trầm kha, lộ rõ khi có dịch'
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Mai Thị Phương Hoa cho hay, một bộ phận cơ sở còn lơ là, chủ quan khi chống dịch Covid-19 nhưng có nơi lại quá cứng nhắc với người dân.
Chính quyền cơ sở cần tránh hành động cảm tính
Sáng 8/11, Quốc hội bắt đầu thảo luận trên nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) cho rằng, đến thời điểm này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.
Bà nhắc đến nhiều điều chưa từng có trong lịch sử như biến chủng Delta với tốc độ lây lan cực nhanh và phức tạp xuất hiện; tổ chức tiêm chủng toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay; lần đầu tiên Quân đội có cuộc điều quân lớn chưa từng có...
"Các biện pháp chống dịch dù chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng hợp lý, có sự đồng lòng, cố gắng vượt bậc", bà Hoa nêu.
Tuy nhiên, bà Hoa cũng thẳng thắn nêu ra nhiều hạn chế trong việc thực thi công vụ khi chống dịch ở cấp cơ sở.
Trong đó, dù Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ, kiên quyết không để ban hành giấy phép con, không được cát cứ, chia cắt.
Nhưng tại một số thời điểm, vì quá lo lắng cho địa phương mình, có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, có địa phương đặt ra những loại giấy tờ không phù hợp để đi qua các chốt kiểm soát, chưa tạo điều kiện cho người dân từ các TP lớn, khu công nghiệp được về quê tránh dịch….
Bên cạnh đó, theo bà Hoa, trong khi lãnh đạo Chính phủ thì sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở lại lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch.
"Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi, nhưng đến thời kỳ dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn", bà Hoa Nhận định.
Nữ ĐBQH chỉ rõ: "Cá biệt, có một số cán bộ địa phương đã có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch như đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực.
Có trường hợp xô xát giữa cán bộ với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm.
Hoặc có trường hợp cán bộ thi hành công vụ còn xa rời thực tế, chưa bám sát nhu cầu của người dân như việc coi bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu…".
Cùng với đó, có nơi còn quá cứng nhắc, thô bạo, lạm quyền trong cách hành xử với người dân, gây bức xúc trong dư luận: như việc một số cán bộ địa phương vào nhà dân, bắt ép 1 người phụ nữ làm xét nghiệm Covid-19.
"Những trường hợp nêu trên tuy không phải là phổ biến nhưng đã tạo hình ảnh phản cảm, làm mất uy tín chính quyền", bà Hoa nói thêm.
Vì vậy, nữ đại biểu này cho rằng, bài học rút ra là bất cứ việc gì cũng cần tạo đồng thuận của người dân. Nếu người dân chưa hiểu thì tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Các quyết sách đưa ra phải cân nhắc trên cơ sở sức khỏe, quyền, lợi ích của người dân.
"Nếu người dân vi phạm quy định chống dịch thì đã có các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự. Chính quyền cơ sở cần tránh hành động cảm tính, bất chấp quy định", bà nói.
Chính sách về y tế còn chắp vá
Nêu ý kiến với báo cáo phòng, chống dịch của Chính phủ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) nhìn nhận Việt Nam đã tương đối kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, bà nói bên cạnh gần 20.000 người chết vì Covid-19, còn nhiều trường hợp không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn này và có thể gián tiếp ra đi vì Covid-19.
"Chúng ta cần xem lại hệ thống y tế cơ sở khi hiện nay, chỉ khoảng 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng số địa phương thực hiện được còn ít. Chưa kể con số 30% là rất thấp so với sự cần thiết, nhu cầu của người dân.
Chúng ta cần phải phân bổ hợp lý để đáp ứng với quy mô dân cư, chứ không phải dựa trên vấn đề về địa lý", bà Lan nói.
Vị nữ ĐBQH này cũng cho rằng, Chính phủ cần có chính sách, chủ trương xuyên suốt và chỉ đạo Bộ Y tế về xây dựng quan điểm phòng chống dịch.

"Bộ Y tế đã rất cực khổ, không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương, mà Bộ Y tế cũng đã thực sự vào cuộc. Về y tế cơ sở, tôi nghĩ không phải chỉ vấn đề về tiền, mà còn vấn đề về nhân lực", đại biểu Lan nhấn mạnh.
Theo bà, hiện chính sách về y tế của Việt Nam còn chắp vá, thường xuyên thay đổi về tổ chức. Ví dụ khoảng năm 2006-2007, từ các trung tâm y tế của các quận huyện, chúng ta chia ra thành bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế, tức "đã yếu mà còn chia ra".
Còn hiện nay, ngay cả tại TP.HCM, theo chỉ đạo thì tất cả trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện thuộc quận, huyện lại trực thuộc Sở Y tế.
Như vậy, theo bà Lan, UBND của các địa phương sẽ rất khó khăn trong việc điều phối lực lượng và thực sự đơn vị phụ trách công tác y tế ở địa phương chính là phòng y tế, trong khi phòng y tế chỉ làm chức năng quản lý Nhà nước.